Hành trang pháp lý nào cho TPHCM cất cánh?

[ad_1]

Hành trang pháp lý nào cho TPHCM cất cánh?

Võ Trí Hảo

Đại lộ Nguyễn Văn Linh. Ảnh: KINH LUÂN

(TBKTSG) – Ngày 20-5-2016, tại buổi làm việc với Phó thủ tướng Vương Đình Huệ, đại diện cho UBND TPHCM, Phó chủ tịch UBND Lê Thanh Liêm đã phân tích nhu cầu, đề xuất nhiều cơ chế tài chính đặc thù cho TPHCM.

Có những lý giải khác nhau giữa ông Nguyễn Hữu Chí – Thứ trưởng Bộ Tài chính và lãnh đạo của TPHCM xung quanh Nghị quyết 16/NQ-TW của Bộ Chính trị ngày 10-8-2012 về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TPHCM đến năm 2020. Sau đó, trên các diễn đàn truyền thông, các chuyên gia tài chính, ngân sách đều bày tỏ sự nhất trí cao với các kiến nghị của TPHCM theo hướng chuyển cơ chế “xin – cho”, “bao cấp” ngân sách như hiện nay thành cơ chế “khoán” và tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Trước nhu cầu bức thiết, lập luận thuyết phục của đại diện TPHCM, ông Nguyễn Hữu Chí xin “khất”, bởi một số kiến nghị vượt luật, nằm ngoài thẩm quyền của không chỉ Bộ Tài chính mà của cả Chính phủ. Vậy, để “cất cánh”, TPHCM cần hành trang pháp lý nào?

Nghị định, nghị quyết của Chính phủ chỉ mới giải tỏa “bức bối”, không đủ cho TPHCM “cất cánh”

Có lẽ, tại thời điểm ban hành Nghị quyết 16/NQ-TW vào năm 2012, trước khi Hiến pháp 2013 được thông qua, Bộ Chính trị chỉ mới tập trung giải quyết những nhu cầu bức xúc về giao thông, môi trường, an ninh trật tự tại TPHCM mà chưa nghĩ đến nhu cầu “cất cánh”, “đầu tàu”  thực thụ và vì vậy, mục III nghị quyết này cho phép TPHCM đề xuất các mô hình thí điểm trong phạm vị rất hạn hẹp- trong phạm vi thẩm quyền của Chính phủ.

Cụ thể, mục III, điểm 2 nghị quyết ghi: “Khi thực hiện thí điểm, thành phố phải có đề án xin Chính phủ cho thí điểm về từng vấn đề cụ thể và chịu sự theo dõi, giám sát của Chính phủ, đặc biệt với những vấn đề lớn, nhạy cảm”.

Việc chuyển cơ chế ngân sách từ “bao cấp”, “làm nhiều, nộp nhiều”, rồi quay lại “xin thưởng” như hiện nay sang cơ chế “khoán” thu chi mới chỉ giải quyết câu chuyện ngân sách cho đầu tư phát triển. TPHCM cần đồng thời giảm bớt sự trông chờ từ cơ chế “bao cấp mô hình tổ chức, bao cấp luật” từ chính quyền trung ương.

Đối với các khó khăn vướng mắc khác, bao gồm cả vấn đề tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách, tăng nguồn kinh phí trung ương hỗ trợ… đều giao cho Chính phủ chỉ đạo trong phạm vi thẩm quyền của Chính phủ (mục III, điểm 3).

Với khuôn khổ hạn hẹp như vậy, thì không chỉ Bộ Tài chính, mà đến lượt Chính phủ cũng sẽ phải xin “khất” trước các đề xuất hợp lý của TPHCM. Đơn giản, Chính phủ không thể quyết cái gì ngoài thẩm quyền; mà lại phải chờ Quốc hội.

Bởi vậy, người dân và Đảng bộ TPHCM đang mong chờ một nghị quyết mới của Bộ Chính trị vạch ra chiến lược cho thành phố đến năm 2035, trên cơ sở đó, Quốc hội ban hành một nghị quyết hoặc tốt hơn là một luật về TPHCM tương tự tinh thần “đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt” của điều 110 Hiến pháp 2013.

Hành trang pháp lý cần có những gì trong đó?

Việc chuyển cơ chế ngân sách từ “bao cấp”, “làm nhiều, nộp nhiều”, rồi quay lại “xin thưởng” như hiện nay sang cơ chế “khoán” thu chi mới chỉ giải quyết câu chuyện ngân sách cho đầu tư phát triển tại TPHCM. Nhưng để có một bộ máy công chức chất lượng cao, thủ tục hành chính tinh giản, tiết kiệm chi phí vận hành bộ máy công vụ, tính răn đe trong xử phạt vi phạm hành chính cao, TPHCM cần đồng thời giảm bớt sự trông chờ từ cơ chế “bao cấp mô hình tổ chức, bao cấp luật” từ chính quyền trung ương. Hay nói cách khác, TPHCM cần một mô hình chính quyền đô thị hay “đặc khu” như cách nói của Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng với quyền tự chủ rộng rãi. Các quyền tự chủ cần chia thành bốn nhóm: tự chủ về ngân sách, tài chính; tự chủ về mô hình tổ chức bộ máy; tự chủ về đơn giản hóa thủ tục hành chính; tự chủ về quy tắc đô thị.

Để bảo đảm sự kiểm soát của chính quyền trung ương, đồng thời phát huy sự năng động sáng tạo của chính quyền TPHCM, thì cần thiết kế sự kiểm soát theo cơ chế phủ quyết, thay vì cơ chế xin – cho; theo đó một số lĩnh vực TPHCM hoàn toàn được chủ động thí điểm mà không cần phải xin phép; và Chính phủ hoặc Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đại diện cho chính quyền trung ương có quyền phủ quyết; chừng nào chưa bị chính thức phủ quyết, cơ chế thí điểm vẫn còn giá trị pháp lý; nếu sau một năm mô hình thí điểm không bị Chính phủ, UBTVQH phủ quyết, thì các cơ quan này hết quyền phủ quyết, mà quyền phủ quyết sẽ thuộc về Quốc hội.

[ad_2]

— Đăng bởi HH —