Hãy công khai như chuyện cắt cỏ

[ad_1]

Hãy công khai như chuyện cắt cỏ

Sơn Tùng

Tiêu tốn hàng chục tỉ đồng mỗi năm cho việc chăm sóc cỏ Đại lộ Thăng Long, Hà Nội. Ảnh: TL

(TBKTSG) – Bảy trăm tỉ đồng (hơn 31 triệu đô la Mỹ) là khoản tiền lớn hay nhỏ? Để trả lời câu hỏi này, cần xác định rằng chúng ta muốn so sánh nó với cái gì.

Nếu so sánh với tổng chi ngân sách nhà nước cho năm 2016 của Hà Nội được hội đồng nhân dân thành phố này thông qua tháng 12 năm ngoái là 73.807 tỉ đồng (lấy số tròn), thì 700 tỉ đồng xấp xỉ bằng một phần trăm.

Còn nếu so với tổng kinh phí xây cầu Nhật Tân bắc qua sông Hồng (khánh thành đầu năm 2015) khoảng 13.600 tỉ đồng, thì 700 tỉ đồng nhỉnh hơn 1/20 một chút.

So với một cây cầu khác dự kiến được xây – cầu Mỹ Thuận 2 bắc ngang sông Tiền – theo phương án dây văng giống cầu Mỹ Thuận 1 với kinh phí hơn 7.100 tỉ đồng, thì con số trên cỡ một phần mười số tiền phải xài. Còn nếu so với gạo 5% tấm xuất khẩu của Việt Nam hôm rớt giá xuống còn 370 đô la Mỹ một tấn, thì phải chất lên tàu khoảng 85.000 tấn gạo chở ra nước ngoài mới thu được ngần ấy số tiền.

Thế nên, khi Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung công bố số tiền thủ đô chi cho riêng việc cắt cỏ, tỉa cây đã lên đến 700 tỉ đồng nhiều người đã không khỏi choáng váng.

Người Việt chắc cũng không cực đoan đến mức bảo rằng thôi Hà Nội đừng cắt cỏ nữa. Tuy nhiên, nhất thiết phải có cách làm khác.

Thường người ta ai cũng muốn nơi mình ở xanh, sạch, đẹp. Nhưng trong bối cảnh của một nước còn nghèo như Việt Nam, lại đang trải qua một giai đoạn kinh tế khó khăn, xài tiền kiểu này quả thật là lãng phí.

Nhiều người đã chỉ ra ngay biện pháp ít tốn kém hơn nhiều. Chẳng hạn, thay vì trồng hoa cỏ để nước thấm xuống đất, có thể lát gạch con sâu vì cùng tác dụng, lại duy trì được lâu hơn nên rẻ tiền hơn. Đành rằng về mặt thẩm mỹ, gạch con sâu không thể sánh được với thảm cỏ xanh, nhưng trong hoàn cảnh đất nước hiện nay, giải pháp tiết kiệm cần được ưu tiên. Chẳng phải lối sống thích hợp ở mọi thời đại mà ông bà ta đã dạy là “liệu cơm gắp mắm” hay sao? Lại nữa, ông bà ta không hề bắt con cháu học làm sang, mà chỉ dạy “nghèo cho sạch, rách cho thơm” thôi!

Chuyện cắt cỏ ở Hà Nội chỉ vỡ lở khi chính ông Chung tiết lộ các con số và nếu ông không nói ra thì dân không ai biết. Nhưng người trong cuộc thì hẳn đã biết rất rõ. Ông Chung ở Hà Nội là người đầu tiên công khai khoản chi tiêu này. Còn những tỉnh, thành khác thì sao? Liệu có thể ngăn chặn tình trạng lãng phí tương tự như vậy hay không?

Thi thoảng báo đưa tin có gia đình tan nát vì lâm vào cảnh nợ nần bởi người chồng (hay vợ) bài bạc phải bán cả nhà cửa. Chuyện buồn này khó xảy ra nếu như gia đình đó “công khai tài chính” bằng cách lập sổ chi tiêu ghi lại mọi khoản thu nhập và chi xài của từng người để mọi thành viên khác đều được biết. Khi ấy, dù bất kỳ ai muốn mang tiền đi đánh bạc hay chi tiêu hoang phí cũng không thể vì chắc chắn sẽ bị các thành viên khác “xử đẹp” ngay sau đó.

Rộng hơn trong xã hội, “lãng phí ngân sách” và “công khai ngân sách” là hai mặt đối lập triệt tiêu lẫn nhau. Chắc chắn là một khi đã công khai được ngân sách đến mức các tổ chức và người dân có thể theo dõi các khoản chi tiêu thì chuyện lãng phí khó có thể xảy ra. Bằng chứng là sau khi ông Chung tiết lộ những con số như thế, chuyện cắt cỏ, trồng cây bắt đầu được sắp xếp lại theo hướng tiết kiệm hơn. Nếu những con số khác trong một số hạng mục chi tiêu công ở các địa phương cũng được công khai, chắc chắn sẽ giảm bớt lãng phí và chúng ta không phải đợi đến 20 năm hay 10 năm mới có đủ tiền để xây thêm những cây cầu đáp ứng đời sống dân sinh.

Đành rằng không phải mọi khoản chi tiêu ngân sách đều có thể công khai. Nhưng thường thì ngoại lệ rất ít, mọi chuyện khác hoàn toàn có thể làm được. Vấn đề là chúng ta có muốn làm hay không mà thôi. 

[ad_2]

— Đăng bởi HH —