Khách sạn: Nhà nước "gắn sao" hay doanh nghiệp tự quyết?

[ad_1]

Khách sạn: Nhà nước “gắn sao” hay doanh nghiệp tự quyết?

Đào Loan

Đại diện khách sạn Novotel trên đường Hai Bà Trưng, TPHCM gỡ tấm khăn che tấm bảng công nhận khách sạn đạt chuẩn 4 sao theo tiêu chuẩn Việt Nam. Chuẩn 4 sao cũng là tiêu chuẩn chung của thương hiệu Novotel trên toàn thế giới. Ảnh: Đào Loan

(TBKTSG Online) – Hiện nay, Luật Du lịch buộc các khách sạn phải nộp hồ sơ xin phép cơ quan chức năng thẩm định, xếp hạng khách sạn nhưng dự thảo sửa đổi luật, đang được đưa ra để góp ý lại không bắt buộc, để doanh nghiệp tự quyết.

Quy định mới đang gây ra những phản ứng trái chiều từ doanh nghiệp. Phần lớn, doanh nghiệp ủng hộ quy định cũ nhưng phải có cách thực hiện khác.

Hệ thống khách sạn ở Việt Nam được xếp hạng từ 1-5 sao. Trong dự thảo sửa đổi Luật Du lịch lần 5, điều 59 về xếp hạng cơ sở lưu trú du lịch có quy định “việc xếp hạng cơ sở lưu trú du lịch được thực hiện theo nguyên tắc tự nguyện”.

Thẩm quyền thẩm định khách sạn từ 4-5 sao thuộc về Tổng cục Du lịch, các sở văn hóa thể thao và du lịch hoặc sở du lịch tỉnh/thành phố sẽ thẩm định loại 1-3 sao, thay vì chỉ 1-2 sao như hiện nay. Điều này có nghĩa, nếu doanh nghiệp không muốn thì không yêu cầu xếp hạng gì cả còn ngược lại, cơ quan quản lý nhà nước sẽ thực hiện việc thẩm định, xếp hạng.

Trong những buổi góp ý về việc sửa đổi Luật Du lịch, các ý kiến đại diện từ Hiệp hội Lữ hành và Hiệp hội Khách sạn Việt Nam đều cho rằng không nên thay đổi điều này. Việc xếp hạng những cơ sở lưu trú này phải là quy định bắt buộc, nếu không sẽ gây nên tình trạng lộn xộn, công bố chất lượng ảo, cạnh tranh không lành mạnh, gây thiệt hại cho khách hàng.

Ông Tào Văn Nghệ, Chủ tịch Công ty Cổ phần Quản lý Khách sạn Odyssea, cho rằng về lý thuyết, cho phép khách sạn được tự nguyện xếp hạng là để cho thị trường sàng lọc. Nơi nào công bố chất lượng không đúng với thực tế thì sẽ bị khách hàng quay lưng, thậm chí tẩy chay nhưng thực tế ở Việt Nam rất khó thực hiện do nhiều nguyên nhân. Trong đó, có tình trạng phát triển “nóng” của mảng khách sạn khiến việc quản lý chưa thật sát sao và tiếng nói của các hiệp hội nghề nghiệp, hội bảo về người tiêu dùng chưa đủ sức để răn đe những nơi làm ăn không đàng hoàng. “Nếu không bắt buộc mà để cả cho doanh nghiệp thì thị trường sẽ bát nháo ngay”, ông nói với TBKTS Online sáng nay (21-9).

Tuy nhiên, Tổng giám đốc người nước ngoài của một khách sạn quốc tế tại TPHCM lại vui mừng khi TBKTSG Online cho biết có nội dung mới như vừa nêu trên trong dự thảo sửa đổi Luật Du lịch. “Điều này làm chúng tôi khỏi mất công xin thẩm định và công nhận chất lượng mà chúng tôi hiển nhiên có và khách hàng ai cũng biết. Cứ nhìn vào thương hiệu của chúng tôi là ai cũng biết đây là khách sạn 5 sao”, ông nói nhưng không muốn nêu tên.

Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Tổng giám đốc Công ty Du lịch Vietravel, cho rằng việc buộc khách sạn xếp hạng, với sự đánh giá của một cơ quan, tổ chức là cần thiết. Bản thân các công ty lữ hành – những người đi mua dịch vụ như Vietravel – rất cần biết chất lượng của khách sạn để làm ăn và với thị trường Việt Nam thì việc để các khách sạn tự xếp loại là không thể đảm bảo chất lượng.

“Đã được quản lý như hiện nay mà còn nhiều khách sạn “sao xẹt”, nếu để tự nguyện thì khách hàng sẽ không biết phân biệt nơi nào tốt thật sự để bỏ tiền mua dịch vụ”, ông Kỳ nói và cho rằng nếu những người làm luật muốn bỏ yếu tố bắt buộc quy định này thì phải giải thích rõ lý do.

Số liệu từ Tổng cục Du lịch cho thấy, hệ thống cơ sở lưu trú ở Việt Nam đang phát triển rất mạnh mẽ. Cả nước hiện có hơn 20.100 cơ sở, với 400.000 phòng, tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng 9%/năm. Trong đó, phân khúc khách sạn 3-5 sao có tốc độ tăng trưởng cao, 16% với 5 sao và 14% với 4 sao. Đến tháng 5-2016, cả nước đã có 101 khách sạn 5 sao, 229 khách sạn 4 sao và 463 khách sạn 3 sao.

Để quản lý được chất lượng hệ thống khách sạn đang phát triển nhanh như thế này, nhiều doanh nghiệp cho rằng cơ quan quản lý phải thay đổi việc thẩm định, xếp loại khách sạn. Từ trước đến nay, việc này thuộc thẩm quyền của nhà nước nhưng thực tế rất cần sự tham gia của các hội nghề nghiệp như hội lữ hành, khách sạn nhằm đảm bảo tính chuyên nghiệp, công bằng. Ở các nước khác, hệ thống khách sạn thường được xếp loại bởi hiệp hội nghề nghiệp hoặc do cơ quan nhà nước tiến hành.

Theo ông Nghệ, sự tham gia của hội nghề nghiệp du lịch, khách sạn vào việc thẩm định, xếp loại khách sạn là hết sức cần thiết. Tuy nhiên, để cho các hiệp hội có thể tham gia hiệu quả vào việc này thì Luật Du lịch phải có nội dung quy định rõ ràng vai trò, chức năng và quyền hạn của những tổ chức nghề nghiệp này.

Đọc thêm:

Không đảm bảo chất lượng, khách sạn sẽ bị rút hạng

Xây sân khấu múa rối nước trong khách sạn 5 sao

[ad_2]

— Đăng bởi HH —