Không đi không biết…

[ad_1]

Không đi không biết…

Bình Vương

(TBKTSG) – Đọc xong cái tựa bài chắc có nhiều bạn đọc sẽ nhớ ngay đến bài thơ vui quen thuộc:

“Không đi không biết Đồ Sơn
Đi rồi mới thấy không hơn đồ nhà
Đồ nhà tuy xấu tuy già
Nhưng là đồ thật, hơn là đồ sơn”.

“Đồ” vốn là một từ dân gian vùng Bắc bộ, từng được bậc thầy trào phúng Tú Xương vận dụng với ý nghĩa vừa thanh vừa tục để giỡn bạn mình trong bài thơ “Đề ảnh”, đề một tấm ảnh chụp chung ba người:

“Cử Thăng, huấn Mỹ, tú Tây Hồ,
Ba đứa chung nhau một cái đồ
Mới biết trời cho sum họp mặt,
Thôi đừng chê nhỏ lại chê to!”.

Tác giả bài thơ vui nói trên cũng đã hóm hỉnh tách chữ “Đồ” trong tên riêng Đồ Sơn để mà chơi chữ. Bãi biển Đồ Sơn thuộc thành phố Hải Phòng, là khu nghỉ dưỡng nổi tiếng từ thời Pháp ­­thuộc. Về sau, nhứt là trong thời kinh tế bao cấp ở miền Bắc, Đồ Sơn trở thành địa chỉ quen thuộc cho Công đoàn các cơ quan xí nghiệp đưa công nhân viên chức đến nghỉ mát bằng quỹ phúc lợi hàng năm. Tương truyền, bài thơ ban đầu có lời lẽ ý tứ rất mộc mạc:

“Không đi không biết Đồ Sơn
Đi rồi mới thấy không hơn ở nhà
Đồ Sơn vừa nắng vừa xa
Suy đi tính lại ở nhà vẫn hơn”.

Rồi theo thời gian, theo đà phát triển chung mà Đồ Sơn có thêm những thứ ngày nay gọi là dịch vụ nhạy cảm. Chúng dần dà khiến cho du khách (nam giới) phải nghĩ đến câu “tốt gỗ hơn tốt nước sơn” khi so sánh với “đồ nhà”. Và chúng cũng khiến cho bài thơ mang vẻ hiền lành chay tịnh ban đầu trở thành… mặn!
Bài thơ vui được lưu truyền trong dân gian, nên thường có các dị bản. Chẳng hạn câu thứ ba: “Đồ nhà tuy có hơi già” nghe đỡ tủi cho… người ở nhà hơn. Lại có câu ba và câu bốn: “Đồ sơn như chiếc lá đa/Đồ nhà như chiếc bàn là Liên Xô”, hình tượng ví von tếu táo mang đặc điểm hàng tiêu dùng của một thời, song nó kém tao nhã, và đặc biệt, kém hẳn giá trị chơi chữ.

Theo quan sát của cá nhân, dù muốn dù không, “Không đi không biết” đã tỏa lan thành một mô-típ thơ vui dân gian hiện đại, cùng chung “thi pháp chơi chữ” lẩy ra từ một thành tố của một địa danh. Có thể nhắc một bài tiêu biểu cho… thành tựu của xu hướng này:

“Không đi không biết Cà Mau
Đi rồi mới thấy hao hao cà nhà
Cà nhà tuy có hơi già
Nhưng là cà chậm, hơn là cà mau”.

Người viết cùng đám bạn nhậu đã không thể nhịn được cười, khi chính tai nghe một vị cán bộ cấp Vụ trưởng góp lời sửa chữa bổ sung cho câu cuối: “Cà đi cà lại cũng ra vấn đề!”. Ai dám nói ngôn ngữ hành chánh là khô cứng?

Và biết đâu chừng, mô-típ trên sẽ không chỉ loanh quanh ở cặp phạm trù “đồ sơn – đồ nhà” nữa, mà có thể phát triển qua những chủ đề khác. Ý tưởng này đến từ một buổi tiệc đêm Mỹ Tho, khách xa vui miệng thốt lên câu cảm thán: “Không đi không biết Tiền Giang/Đi rồi mới thấy hoang mang tiền đồ”. Ai dè có vị chủ nhà để bụng, báo hại đến bữa cà phê sáng hôm sau khách phải vội vàng đính chính: “Đi rồi mới thấy vẻ vang tiền đồ”.

Phải chi có một doanh nghiệp du lịch lữ hành nào đó, đứng ra tài trợ tổ chức một cuộc thi thơ “Không đi không biết” với thể lệ định hướng rõ ràng. Coi bộ zdui à nha! 

[ad_2]

— Đăng bởi HH —