Liên kết tiểu vùng Đồng Tháp Mười cho 20 năm sau

[ad_1]

Liên kết tiểu vùng Đồng Tháp Mười cho 20 năm sau

Trung Chánh

Nước là cái gốc giải quyết mọi vấn đề liên quan. Ảnh: LÊ HOÀNG VŨ

(TBKTSG) – PGS.TS. Lê Anh Tuấn, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu thuộc Đại học Cần Thơ, khẳng định liên kết vùng mà không nghĩ về nước, về phân bố và chia sẻ nguồn nước một cách hài hòa, thì chắc chắn mối liên kết sẽ thất bại vì nước là cái gốc giải quyết mọi vấn đề liên quan.

Bắt đầu từ việc… chia sẻ nguồn nước

Ông cho biết đối với tiểu vùng Đồng Tháp Mười, đỉnh lũ thường xảy ra vào khoảng tháng 9 đến 10 và đây là vùng đất ngập nước lớn nhất đồng bằng sông Cửu Long với diện tích ngập khoảng 697.000 héc ta, trải rộng trên địa bàn ba tỉnh Đồng Tháp, Long An và Tiền Giang.

Về cao độ so với mực nước biển của vùng Đồng Tháp Mười, nơi cao nhất thuộc khu vực phía Tây của vùng và giảm dần về phía Tiền Giang và Long An. Còn về lưu lượng dòng chảy, lấy năm 2006 là năm có lũ trung bình, thì lưu lượng nước từ thượng nguồn đổ về Đồng Tháp Mười là 2.500 mét khối/giây với tổng lượng nước đến vùng khoảng 275 tỉ mét khối, trong đó, một phần nước chảy trên sông Tiền đổ vào vùng Đồng Tháp Mười và một phần nước tràn đồng từ Campuchia vào Đồng Tháp Mười theo hướng phía tỉnh Long An. Tới vùng Đồng Tháp Mười, nước tiếp tục phân chia, một phần vào sông Vàm Cỏ Tây để đi xuống phía Nam và một phần trả lại sông Tiền sau đó chảy ra biển Đông.

Theo ông Tuấn, với lượng nước trong năm 2006 như vậy thì chỉ có thể đủ cung ứng cho nhu cầu sinh hoạt và công nghiệp, còn khả năng đẩy mặn đối với vùng ven biển phía Long An và Tiền Giang là không đủ. Cho nên, vùng này gặp thách thức rất lớn về nguồn nước, nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu, nước biển dâng, khai thác tài nguyên quá nhiều và nguồn nước đang suy giảm nghiêm trọng.

Ông Tuấn nhận định xu thế lũ đang ngày càng suy giảm. Năm 2015 là năm lũ thấp nhất và năm nay tuy có cao hơn năm 2015, nhưng vẫn là lũ nhỏ. “Mùa khô vừa rồi, trong ba tỉnh Đồng Tháp, Tiền Giang và Long An, chỉ có Đồng Tháp không công bố thiên tai hạn mặn, trong khi Tiền Giang và Long An công bố rất sớm (tháng 2-2016)”, ông dẫn chứng.

Trong bối cảnh như vậy, ông Tuấn cho rằng có một điều rất may mắn, có thể giúp giải quyết vấn đề sử dụng nước trong tương lai nếu liên kết vùng Đồng Tháp Mười được triển khai tốt, đó là vùng này diện tích đất ngập nước (chưa xây đê bao khép kín) còn lớn. “Đây là cơ may để cứu vùng ven biển, nếu sử dụng nước ở vùng Đồng Tháp Mười hợp lý. Mà một trong những giải pháp là không mở rộng đê bao khép kín quá nhiều như vùng Tứ giác Long Xuyên, chuyển dự án thoát lũ vùng Đồng Tháp Mười thành dự án giữ lũ, coi lũ là tài nguyên cần được giữ lại”, ông gợi ý.

Lũ, lụt và cây lúa

TS. Dương Văn Ni, chuyên gia về đa dạng sinh học của Đại học Cần Thơ, ông không đồng tình với cách gọi lụt là “lũ”, cũng không chấp nhận khái niệm “triều cường” vì đều không phản ánh bản chất vấn đề. “Thay đổi trong ngày, mình có con nước lớn, con nước ròng; thay đổi trong tháng có con nước rong, con nước kém; thay đổi trong năm có mùa nước nổi, mùa nước cạn”, ông Ni nói.

Theo ông Ni, khi nước vượt trên mùa nước nổi, thì gọi là “nước lụt”, chứ không phải “lũ”, bởi “lũ” là nó gắn liền với thiên tai, cần phải đối phó. “Nếu chúng ta nhìn nguồn nước như là nguồn sống của người dân, thì chúng ta có cách hành xử khác đi và chúng ta không phải lúc nào cũng đối phó chuyện này”, ông Ni nói.
Với những số liệu về nguồn nước theo dõi tại Vườn quốc gia Tràm Chim (Đồng Tháp) từ năm 1995 đến nay, ông Ni kết luận: thay đổi nước của vùng Đồng Tháp Mười trở nên rất khó đoán. Ông nói: “Trước đây, cứ “năm nhuận, thì tháng hạn” hoặc “năm Thìn, thì bão lụt”, nhưng quy luật đó đã không còn nữa”.

Trong khi quy luật nguồn nước trở nên khó đoán, thì trong xã hội lại có tâm lý cho rằng “nước lụt” không còn ở ĐBSCL nữa. “Cái này là cực kỳ nguy hiểm, bởi khi ta suy nghĩ theo cái hướng “nước lụt” không còn, thì chúng ta phát triển theo hướng không có nước và như vậy giống như chúng ta tự xây một cái bẫy để cuối cùng chúng ta sập vô cái bẫy đó, rất nguy hiểm”, ông Ni nhấn mạnh.

TS. Dương Văn Ni cho rằng trong 20 năm qua, vùng nào thật sự an toàn trước chuyện nước nhiều, nước ít thì vùng đó an tâm trồng cây có giá trị và thời gian khai thác lâu, ví dụ cây ăn trái. Tuy nhiên, cũng phải tính đến giải pháp an toàn tuyệt đối trong trường hợp không có nước hoặc nước rất ít (thì phải có giải pháp bổ sung và ngược lại). Vùng nào rủi ro cao, phát triển cây ngắn ngày là thích hợp vì khi có nước lụt, nếu “đỡ” không kịp, thì xóa ngay vùng đó cho nước cuốn luôn sẽ ít tốn kém hơn so với việc chống lại.

Ông Ni cũng lưu ý tới vấn đề giảm diện tích lúa khi có ý kiến cho rằng gần đây hiệu quả kinh tế của lúa không cao. “Khi chúng ta nhìn ở góc độ xã hội và môi trường thì rõ ràng tới giờ này chưa có cây trồng nào thích hợp trên vùng đất phèn rộng như cây lúa. Người dân ai cũng biết cách trồng; bây giờ tỷ lệ cơ giới hóa cây lúa cao nhất trong tất cả cây trồng khác; người nông dân có thể mặc áo sơ-mi, mang giày đi trên lộ vẫn canh tác lúa được. Do đó, chuyện giảm hay tăng diện tích cây lúa cần cân nhắc đầy cẩn trọng, chứ không phải nói cây lúa rẻ, chuyển qua cây trồng khác là xong khi các yếu tố hạ tầng và xã hội cho cây khác chưa tính hết được”.

Từ thực tiễn của vùng Đồng Tháp Mười như vậy, chuyên gia sinh thái độc lập, thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, người điều hành hội thảo, cho biết đề án liên kết tiểu vùng Đồng Tháp Mười cho 20 năm sau sẽ được hoàn thành để báo cáo lãnh đạo ba tỉnh Đồng Tháp, Long An và Tiền Giang. “Xong sẽ đi vào chi tiết và xuống tới người dân để tìm được sự đồng thuận của xã hội”, ông cho biết.

Theo ông Thiện, liên kết Đồng Tháp Mười phải được xây dựng trên ba khía cạnh kinh tế, xã hội và môi trường để phát triển bền vững. “Đẩy kinh tế lên mà quên môi trường, quên xã hội hay đẩy xã hội lên mà quên kinh tế, quên môi trường thì cũng không bền vững, mà ba chuyện đó phải luôn đi song hành mới bền vững”, ông Thiện nói.

Đọc thêm:

– Tái cấu trúc nông nghiệp ĐBSCL là nhiệm vụ sống còn

[ad_2]

— Đăng bởi HH —