Minh bạch thị trường mua bán điện – chuyện cũ nói lại

[ad_1]

Minh bạch thị trường mua bán điện – chuyện cũ nói lại

Sa Nam

Còn duy trì độc quyền, còn để EVN một mình một chợ, thì khó có thể nói đến chuyện minh bạch và hài hòa lợi ích. Ảnh: Thành Hoa

(TBKTSG) – Bộ Công Thương, trong dự thảo về cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân, đã đề xuất cho tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) được linh hoạt và tự chủ hơn trong việc điều chỉnh giá bán điện.

Động thái này, tuy phù hợp với định hướng đưa hoạt động kinh doanh ngành điện tiến sát với cơ chế thị trường hơn, đã gây ra nhiều lo ngại về việc đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng. Trong khi EVN thường xuyên kêu lỗ, vẫn đang tiếp tục báo lỗ và muốn được tự chủ hơn trong việc điều chỉnh giá bán điện, người tiêu dùng không biết EVN càng “tự chủ” thì mình có càng bị “móc túi” nhiều hơn hay không.

Câu hỏi, rốt cuộc vẫn quay về một vấn đề cũ nhưng chưa bao giờ được giải quyết thỏa đáng – minh bạch thị trường điện.

Trong khi về phía cung, việc mở cửa cho tư nhân tham gia sản xuất điện đã giải tỏa được mối lo thiếu hụt nguồn điện, thì ở bên bán, EVN đang là bên bán điện duy nhất. Hàng trăm người làm ra điện chỉ có thể bán cho một mình EVN. Hàng chục triệu khách hàng dùng điện, cũng chỉ có thể mua từ một nhà cung cấp duy nhất – EVN.

Những câu hỏi chưa từng được trả lời thỏa đáng

EVN từng tai tiếng với những dự án đầu tư ngoài ngành (vào bất động sản, vào viễn thông…) gây thua lỗ nặng. Chi phí cho hoạt động quản lý của EVN cũng chưa bao giờ được làm rõ. Vậy những khoản lỗ đầu tư ngoài ngành, những chi phí không hợp lý liệu có được tính vào giá điện?

Từ khía cạnh kỹ thuật, vấn đề chi phí cao do công nghệ lạc hậu cũng là chuyện “tù mù” không kém. Nhiều chuyên gia có kinh nghiệm trong ngành điện liên tục quan ngại về chi phí cao của các nhà máy nhiệt điện than; về vấn đề hao hụt trong hệ thống truyền tải. Tất cả những yếu tố này đều có thể làm “đội giá” thành. Trong khi đó, công nghệ sản xuất điện của thế giới đang có những tiến bộ nhanh chóng. Chi phí sản xuất năng lượng tái tạo đang giảm nhanh, giá thành điện gió, điện mặt trời đều đã ngang bằng với điện từ nguồn hóa thạch và còn tiếp tục giảm xuống. Nhiệt điện, nếu tính đầy đủ chi phí ô nhiễm không khí và gây ảnh hưởng sức khỏe cho người dân, chắc chắn đã đắt hơn các nguồn điện khác. Vậy tại sao người tiêu dùng và cả nền kinh tế vẫn phải “gánh thiệt hại” vì năng suất thấp và tụt hậu công nghệ của ngành điện?

Công khai không đầy đủ thì chưa thể nói là minh bạch.

Cho đến nay, kể cả khi hoạt động đầu tư ngoài ngành của EVN đã chấm dứt, những câu hỏi nêu trên vẫn chưa từng một lần được trả lời thỏa đáng. Khó có thể nói Bộ Công Thương, trong vai trò là cơ quan điều hòa lợi ích giữa ba bên (người bán, người mua và EVN), đã làm tốt vai trò của mình.

Tính khách quan và mục tiêu phục vụ “lợi ích công” của bộ này luôn là vấn đề đáng quan ngại, nhất là khi EVN vừa là “con đẻ” của ngành, vừa nhập nhằng ma trận lợi ích với bộ chủ quản.

Công khai, nhưng chưa đầy đủ và thực chất

Trước đòi hỏi và áp lực liên tục từ dư luận, không phải Bộ Công Thương không có những bước đi nhằm cung cấp thông tin nhiều hơn. Ngoài việc cung cấp thông tin cho báo chí, bộ có hẳn một chuyên trang, đặt tại trang web minhbach.moit.gov được bộ nêu rõ là để công khai, minh bạch hoạt động kinh doanh điện và xăng dầu. Động thái bước đầu này là đáng hoan nghênh, nhưng từng đó là chưa đủ.

Thông tin cung cấp không thể chỉ là những văn bản chỉ đạo và điều hành chung. Điều quan trọng hơn là các báo cáo tài chính, báo cáo kiểm toán và tài liệu có thể cung cấp những thông tin cụ thể và chi tiết hơn về các yếu tố cấu thành chi phí giá điện như giá mua điện từ bên sản xuất, chi phí cho hệ thống truyền tải, chi phí bán hàng và quản lý… Nếu không có những thông tin thực chất như vậy, trang web sẽ không có nhiều ý nghĩa. Công khai không đầy đủ thì chưa thể nói là minh bạch. Và do vậy, những nghi ngờ và lo ngại tiếp tục là vấn đề chưa được giải quyết thỏa đáng.

Giải pháp nào?

Không chỉ EVN, bản thân Bộ Công Thương cũng có “lợi ích” liên quan trực tiếp tới vấn đề minh bạch thị trường mua bán điện. Do đó, về lâu dài, việc giám sát và thúc đẩy minh bạch hóa thông tin không thể phụ thuộc vào bộ này. Việc Kiểm toán Nhà nước đưa giá điện vào chương trình ưu tiên để kiểm toán và giám sát là bước đi đáng hoan nghênh nữa. Nhưng từng đó vẫn là chưa đủ.

Điện, hiện tại đang thuộc số ít nhóm hàng hóa mà Nhà nước còn độc quyền. Do tầm mức quan trọng cũng như tính phức tạp của lĩnh vực này, Quốc hội nên có một ủy ban độc lập chuyên trách vấn đề này. Nhóm chuyên gia độc lập đặt dưới Quốc hội sẽ đảm nhận việc giám sát EVN; đồng thời tư vấn cho Quốc hội trong việc đẩy nhanh tiến trình thị trường hóa hoàn toàn thị trường điện. Về lâu dài, còn duy trì độc quyền, còn để EVN một mình một chợ, thì khó có thể nói đến chuyện minh bạch và hài hòa lợi ích. Chỉ khi thị trường mua bán điện hoạt động như một thị trường bình thường, có tính cạnh tranh cao, lúc đó, lợi ích của người tiêu dùng và các bên liên quan khác mới có thể được bảo đảm.

Viễn thông, hàng không, xăng dầu… và nhiều lĩnh vực khác đều đã đi được những bước dài trong tiến trình thị trường hóa. Không lý gì ngành điện không đi được?

[ad_2]

— Đăng bởi HH —