Người Việt ồn ào

[ad_1]

Người Việt ồn ào

Nguyễn Vũ Mộc Thiêng

(TBKTSG) – Mọi người than phiền với nhau là người Trung Quốc ồn ào số 1. Mấy bạn người nước ngoài của tôi đang làm việc tại Việt Nam cãi lại “Người Việt cũng ồn ào không kém”. Ngẫm thấy bạn nói đúng. Thậm chí, có người còn kết luận “Ồn ào nhất là người ngành văn hóa và du lịch” (?).

Hè rồi, tôi đưa đoàn Nhạc viện TPHCM tham quan các tỉnh phía Bắc. Đến Hạ Long, vào ăn cơm ở khách sạn B. Đoàn hơn trăm người, đang ăn thì có thêm hai bàn khách mới. Họ nói như hét, cụng bia như thể cho cả Hạ Long biết. Khách của tôi như bị tra tấn vì tiếng ồn. Chịu hết nổi, tôi phản ảnh với nhà hàng thì được phân trần: “Các anh thông cảm, tụi em đâu muốn thế!”. “Nhưng các em phải nói họ điều chỉnh volume chứ!”. “Khổ, nói là họ giận, bỏ đi, tụi em mất khách”. “Nếu các em sợ mất họ, thì mất chúng tôi. Cứ giữ hai bàn để mất luôn 15 bàn. Chúng tôi sẽ đi”. Nói thế chứ đi đâu. Ăn gần xong rồi. Chỉ bụng bảo dạ là lần sau không bén mảng đến mấy chỗ này nữa.

Tôi bỏ ăn nửa chừng. Xuống lễ tân tìm hiểu thì biết đoàn khách đó của ngành du lịch. Cứ tưởng khách của sở hay tổng cục, định điện thoại phản ánh thì mới hay “mấy anh em trong ngành khách sạn của thành phố giao lưu”. Khách bình thường ồn ào, mình đã khổ sở. Dân trong ngành thì khổ gấp đôi vì nêu gương xấu. Trách ai được.

Lại nhớ mấy lần dự các Famtrip du lịch. Tới phần giao lưu là ồn ào hơn chợ cá. Nơi nào cũng karaoke cộng đồng, volume mở hết cỡ. Người trong cuộc muốn trao đổi hoặc nói chuyện thì phải bút đàm hoặc ghé miệng hét vào tai nhau như nói cho người điếc.

Rồi còn nạn vừa ăn vừa xem ca múa nhạc tạp kỹ… Chẳng biết thói quen ồn ào này bắt đầu từ đâu. Theo tìm hiểu riêng, cha ông mình hồi xưa ăn uống lịch lãm. Khi ăn rất ít chuyện trò. Ăn bằng cả thị giác, khứu giác, xúc giác, vị giác, thính giác, để cảm nhận tất cả tinh hoa của ẩm thực.

Với người Việt, chỗ nào có đám đông, là có ồn ào. Đám đông thêm bia rượu thì càng ồn ào, từ đám cưới, đám ma, đám giỗ cho đến tân gia, sinh nhật… Có người còn bảo “Uống bia mà im lặng thì thà chết sướng hơn?”. Thiên hạ cũng uống bia mà đâu có ồn ào như ta. Không chỉ là văn hóa mà còn là pháp luật. Ở Singapore mà ồn như vậy là bị phạt rất nặng.

Có lần vào ăn trưa ở khu du lịch G. của tỉnh Đ. Bàn bên cạnh là mấy cô nữ cỡ trên dưới 40, ồn hết cỡ. Dời bàn xa mấy chục mét vẫn ồn. Anh bạn tôi bực quá, lấy máy ra thu và sau đó nói dối nhà hàng là “Băng này hay lắm muốn mời mọi người nghe thử”. Nhà hàng bị lừa, phát băng lên. Nhóm nữ quậy tự dưng im bặt, có mấy người đỏ mặt. Họ cử người đến bàn chúng tôi lí nhí xin lỗi. Tôi nghiệm ra, khi mình ồn, mình thường không để ý. Càng không biết sự khó chịu của những người chung quanh. Đến khi bị tra tấn vì tiếng ồn, mình rất khó chịu. Mới sực nhớ, rất nhiều lần mình đã vô tình làm khó chịu nhiều người.

Lại nhớ các nhà homestay ở Bản Lác (Mai Châu, Hòa Bình) hơn năm năm trước. Xưa tĩnh lặng, cứ 22 giờ là hầu như không còn tụ tập, trò chuyện. Khách nườm nượp vì “tiếng lành đồn xa”. Không hiểu “ma xui quỷ khiến” thế nào, giờ nhà nào cũng karaoke. Thế là “tiếng dữ đồn càng xa”, khách chỉ xô bồ thoáng qua và ít người nghỉ lại. Họ tìm đến chỗ mới, yên tĩnh và lịch sự hơn. Bởi vậy, tiêu chí bắt buộc của các homestay “Made in Vietnam” là không có karaoke và phải “sạch – thoáng – vệ sinh”.

Thiết nghĩ ngành văn hóa và du lịch phải tiên phong trong việc dẹp bớt sự ồn ào không đáng có của người Việt. Sự ồn ào thái quá hiện nay là cách đuổi khách hiệu quả nhất. “Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân” (Điều gì mình không muốn, thì đừng làm cho người khác). Lẽ nào, người Việt muốn mang tiếng là xấu xí vì những ồn ào, bất lịch sự?

[ad_2]

— Đăng bởi HH —