Nuôi dưỡng trẻ nhỏ không được bú sữa mẹ

Nuôi dưỡng trẻ không được bú mẹ khó khăn, vất vả và tốn kém rất nhiều.

Trong thực tế có một số trẻ khi đẻ ra đã không được bú sữa mẹ vì mẹ chết do những tai biến sản khoa khi đẻ hoặc vì mẹ mất sữa hoàn toàn do mổ lấy thai, hay mắc phải các bệnh hiểm nghèo như ung thư, lao phổi nặng, bệnh tâm thần nặng, nhiễm HIV/AIDS… Trong những trường hợp này, người thân trong gia đình cần nắm được một số kiến thức nhất định để chăm sóc và nuôi dưỡng trẻ.

Trước tiên phải xác định nuôi dưỡng những trẻ này khó khăn, vất vả và tốn kém gấp nhiều lần so với trẻ có mẹ. Về nuôi dưỡng sau sinh, tốt nhất là cho trẻ bú chực ngay (bú chực có nghĩa là bú sữa của người mẹ khác cũng đang cho con bú). Có thể đó là người trong gia đình họ hàng (cô, dì, bác…) đang nuôi trẻ dưới 2 tuổi, hoặc xin sữa người trong làng, xóm, cơ quan… Thuận lợi nhất là trẻ được bú trực tiếp, nếu không có điều kiện thì xin sữa vắt ra. Sữa này có thể để từ 3-4 giờ mà không cần phải đun lại vẫn cho trẻ ăn tốt.

Với trẻ không có điều kiện bú chực thì bắt buộc phải dùng sữa ngoài. Ở những nơi nuôi được bò sữa, hoặc trâu đẻ, dê đẻ có thể dùng sữa tươi đem đun sôi để nguội, vớt bỏ hết bơ (mỡ của sữa) ở phía trên rồi pha loãng theo tỷ lệ 1/3 (có nghĩa là 1 phần sữa bò tươi cho thêm 3 phần nước sôi) rồi pha đặc dần 1/2 rồi 2/3… đến lúc trẻ được 6 tháng tuổi thì có thể dùng sữa bò tươi nguyên không cần pha loãng. Có thể cho thêm ít đường với vị ngọt nhẹ (tỷ lệ khoảng 10%, nghĩa là 1 lít sữa cho 1 lạng đường).

Nếu không có sữa bò tươi thì dùng sữa bột (có 2 loại: một dùng cho trẻ dưới 6 tháng tuổi; và một loại khác dùng cho trẻ trên 6 tháng tuổi). Dùng sữa bột thì thuận thiện hơn nhất là trên thị trường hiện nay có nhiều loại sữa bột thích hợp và cách pha chế có hướng dẫn cụ thể kèm theo. Ngoài sữa bột có thể cho trẻ ăn thêm sữa đậu nành. Không cho trẻ nhỏ ăn sữa đặc có đường vì sữa này chỉ thích hợp với trẻ lớn. Sữa đặc có tỷ lệ đường rất cao để bảo quản. Nếu pha loãng để giảm độ ngọt thì trẻ sẽ bị suy dinh dưỡng, còn nếu pha đặc để bảo đảm dinh dưỡng thì trẻ lại bị rối loạn tiêu hóa. Tuyệt đối không được cho trẻ ăn nước cháo với đường hoặc mì chính. Thực tế đã có nhiều cháu nuôi theo cách này đã bị suy dinh dưỡng nặng, kèm theo thiếu vitamin A. Vì ăn nước cháo trẻ có cảm giác no, đầy bụng, lười ăn. Những trẻ này sẽ bị thiếu dinh dưỡng trầm trọng, thường xuyên bị rối loạn tiêu hóa, thiếu vitamin A. Trước đây đã có những cháu nuôi như vậy đã bị thiếu vitamin A trầm trọng dẫn đến khô mắt, mù lòa.

Những trẻ không được bú mẹ, thường có nhu cầu uống nước nhiều hơn nên ngoài các bữa ăn, cần cho trẻ uống thêm nước, đặc biệt là nước hoa quả (cam, chanh…) uống từ từ ít một. Mỗi ngày cho uống thêm 2-4 lần, mỗi lần từ 10-30ml. Để phòng còi xương, cần cho trẻ uống thêm vitamin D mỗi ngày 400 đơn vị quốc tế cho đến lúc trẻ được 2 tuổi và cho uống vitamin A trong các chiến dịch uống vitamin A toàn quốc (vào tháng 6 và tháng 12 hằng năm) cho đến lúc trẻ được 3 tuổi để phòng khô mắt, đồng thời tăng sức miễn dịch của trẻ. Chú ý cho trẻ tắm nắng mỗi ngày từ 5-10 phút vào buổi sáng và xoa bóp tập thể dục cho bé.
Khi cho trẻ ăn, nên tập cho trẻ ăn bằng thìa cốc cho quen dần, hơn nữa thìa cốc dễ cọ rửa bảo đảm vệ sinh. Không nên cho trẻ bú bình và dùng núm vú cao su để tránh cho răng hàm phát triển lệch lạc. Ngoài ra, việc vệ sinh bình cũng khó khăn hơn khi trẻ bú bình nên trẻ dễ mắc tiêu chảy.

Cho trẻ ăn sữa hoàn toàn đến 6 tháng tuổi và sau đó cho ăn thêm các thức ăn khác. Cho ăn bột từ lỏng đến đặc, từ ít đến nhiều và luôn nhớ tô màu cho bát bột. Ngoài ra vẫn tiếp tục cho ăn thêm sữa bò hoặc sữa đậu nành, mỗi bữa từ 200-250ml, mỗi ngày cho ăn thêm từ 2-3 bữa. Ở những gia đình có điều kiện nên cho ăn thêm sữa chua. Rồi dần dần tập cho trẻ ăn các thức ăn khác giống như thức ăn của người lớn, nhưng cần ninh nhừ hơn, dễ tiêu hóa hợp vệ sinh và phù hợp với lứa tuổi.

Trẻ không được nuôi dưỡng bằng sữa mẹ thường hay bị táo bón, màu phân ít vàng mà thường giống màu đất thó, số lượng phân nhiều hơn bình thường, mùi phân hơi thối chứ không chua như trẻ bú sữa mẹ (vì chưa tiêu hóa hết đạm).

Nói tóm lại, nuôi trẻ không được bú mẹ là một công việc khó khăn, cần nhiều thời gian chăm sóc, tốn kém hơn và đòi hỏi phải có kiến thức về chăm sóc và nuôi dưỡng trẻ. Nếu nuôi dưỡng không tốt, trẻ không được ăn đủ về số lượng cũng như về chất lượng sẽ bị suy dinh dưỡng, hay mắc các bệnh nhiễm khuẩn hô hấp, tiêu chảy, đặc biệt là tiêu chảy kéo dài. Ngược lại, nếu ăn quá nhiều trẻ sẽ bị bệnh béo phì, sau này dễ mắc bệnh tiểu đường và các bệnh tim mạch.