Tôi đã đề nghị bỏ Luật Đầu tư 15 năm nay, nhưng…

[ad_1]

Tôi đã đề nghị bỏ Luật Đầu tư 15 năm nay, nhưng…

Tư Giang

Đến nay, Luật Đầu tư nói chung là nơi đẻ ra nhiều giấy phép con mà không giúp gì nhiều cho việc quản lý của nhà nước, lại mất đi vai trò là cái cương kiềm tỏa doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Ảnh: UYÊN VIỄN

(TBKTSG) – Đã xuất hiện nhiều đề nghị bỏ Luật Đầu tư nhân dịp Chính phủ cân nhắc một luật sửa nhiều luật liên quan đến đầu tư kinh doanh để trình Quốc hội cuối năm nay. TBKTSG trao đổi với GS.TS. Nguyễn Mại, người giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực đầu tư, về chủ đề này. Ông Mại nói:

– Lịch sử của Luật Đầu tư bắt nguồn từ Luật Đầu tư nước ngoài. Năm 1987, Quốc hội thông qua Luật Đầu tư nước ngoài, mà thực chất là Luật Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài. Đầu tư chỉ là một mục, bên cạnh quản trị doanh nghiệp, hội đồng quản trị, hình thức liên doanh, hình thức 100% vốn nước ngoài. Đến năm 1991 thì có Luật Khuyến khích đầu tư trong nước, đem lại những ưu đãi cho đầu tư trong nước giống như đầu tư nước ngoài. Năm 1999 có Luật Doanh nghiệp, năm 2005 có Luật Đầu tư chung và Luật Doanh nghiệp chung.

Khi đó rất nhiều nơi, bao gồm tổ nghiên cứu kinh tế đối ngoại của Chính phủ mà tôi là thành viên, đã đề nghị Thủ tướng Phan Văn Khải gộp một luật doanh nghiệp, trong đó đầu tư chỉ là một chương. Đến lúc đó, chúng ta đã trải qua gần 20 năm thu hút vốn FDI rồi.

TBKTSG: Lúc đó, phản ứng của các cơ quan, cá nhân có thẩm quyền như thế nào, thưa ông?

– Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc đã ủng hộ quan điểm của tôi, nhưng ông Trần Xuân Giá, Trưởng ban Nghiên cứu của Thủ tướng thì không. Khi đó, chúng ta cứ cãi nhau đầu tư trước, doanh nghiệp sau, hay cho họ thành lập doanh nghiệp trước rồi đầu tư sau.

Tôi từng đề nghị Thủ tướng Phan Văn Khải, và viết thư cho Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An đề nghị bỏ. Trong thư, tôi đề nghị cần thay đổi quy trình làm luật. Quốc hội cần có các nhóm chuyên gia phản biện độc lập các dự luật. Các đại biểu Quốc hội cũng có thể soạn luật, thay vì chờ bên Chính phủ mà thực chất là các bộ. Bên cạnh đó, luật phải đủ chi tiết để điều chỉnh hành vi kinh doanh và đầu tư ngay trong luật, tránh tình trạng phải chờ thông tư, nghị định; và nhiều lúc thông tư đá nghị định, nghị định đá luật. Không chỉ với Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư, các luật khác muốn tiến bộ thì phải dựa trên nền tảng lập pháp cơ bản như vậy. Nhưng rồi năm 2005 không làm được.

Tôi đã từng đề nghị gộp hai luật (Đầu tư và Doanh nghiệp) vào với nhau, nhưng đó là trong lịch sử. Còn bây giờ sửa là rất dở, không thể thích là sửa.

Đến 2014, khi làm hai luật này, và khi Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) làm đề xuất sửa 16 luật liên quan đến đầu tư kinh doanh, tôi cũng kiên trì thuyết phục bỏ Luật Đầu tư, cũng không được tán thành.

TBKTSG: Quan điểm của ông đã không được tiếp thu. Ông cảm thấy như thế nào?

– Đến bây giờ tôi nghĩ hai Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp 2014 đều có tư tưởng cải cách. Ví dụ, thứ nhất, thay đổi tên gọi từ giấy phép đầu tư và kinh doanh sang giấy đăng ký đầu tư và kinh doanh, thể hiện chủ thể là doanh nghiệp chứ không phải Nhà nước. Thứ hai, giao quyền liên quan đến con dấu cho doanh nghiệp, thay vì Bộ Công an. Thứ ba, bỏ ngành nghề kinh doanh trong giấy đăng ký kinh doanh. Hai luật này chưa thể hoàn bích, nhưng tư tưởng là tốt, và không nên thay đổi nữa.

TBKTSG: Vì sao, thưa ông?

– Vì tâm lý xã hội. Người dân đang mất tín nhiệm với hệ thống lập pháp, hành pháp, đặc biệt khi một số lỗi của Bộ luật Hình sự được phát hiện. Bộ luật Hình sự đụng đến toàn dân mà được hình thành bất cẩn, đầy thiếu sót như vậy, kéo theo nhiều luật khác phải “treo” cùng. Vì thế, không nên sửa ngay bất kỳ luật nào vừa được thông qua, nhất là Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư đã thực hiện theo hướng đổi mới.

Hơn nữa, rào cản lớn nhất hiện nay liên quan đến thủ tục hành chính, hệ thống công chức nhà nước. Tôi ví dụ, Thông tư 37 về kiểm định formaldehyt gây khốn khổ cho doanh nghiệp dệt may thì phải tập trung sức sửa đi. Vậy mà nghị định mới ra cũng không sửa được bao nhiêu. Còn bao nhiêu phiền toái trong hải quan, thuế, quản lý thị trường, môi trường… Hãy sửa những gì gây khó khăn nhất cho doanh nghiệp. Đó mới là thiết thực nhất.

Nay có hai luật tương đối tốt rồi thì sửa làm gì, trong bối cảnh có bao nhiêu việc khác phải làm. Ngay cả Bộ luật Hình sự mà không sửa điều 292 thì doanh nghiệp Việt Nam sang Singapore khởi nghiệp hết. Tóm lại, tôi đã từng đề nghị gộp hai luật vào với nhau, nhưng đó là trong lịch sử. Còn bây giờ sửa là rất dở, không thể thích là sửa.

TBKTSG: Nhưng doanh nghiệp đang kêu ca xin giấy đăng ký đầu tư như theo Luật Đầu tư là rất phiền hà?

– Với doanh nghiệp trong nước, việc xin giấy đăng ký là rất đơn giản.
Còn với đầu tư nước ngoài có hai cách. Một là anh lập doanh nghiệp trước, và lập thủ tục đầu tư sau. Khi anh có doanh nghiệp trước, dự án sau, thì anh không cần phải đăng ký doanh nghiệp nữa.

Bên cạnh đó, không phải 100% dự án FDI là thành lập doanh nghiệp. Đến nay, chúng ta thu hút 270 tỉ đô la Mỹ vốn FDI đăng ký, mà chỉ có 150 tỷ đô la Mỹ vốn thực hiện. Có nghĩa là còn khoảng mấy ngàn dự án FDI có thể không làm. Như vậy, giai đoạn này không thể là giai đoạn thành lập doanh nghiệp được. Phân biệt giữa đăng ký đầu tư và thành lập doanh nghiệp với vốn FDI trong giai đoạn này là rất cần thiết. Không thể để anh vào đây đăng ký thành lập doanh nghiệp được khi anh chưa có nhà máy, chưa có cửa hàng… Tách hai cái này là đúng.

TBKTSG: Ông có thể giải thích rõ hơn về việc này?

– Lúc đầu, dự thảo Luật Đầu tư rất thoáng, quy định cho doanh nghiệp trong nước và nước ngoài là như nhau. Tôi phản đối kịch liệt. Tôi nói với ông Bùi Quang Vinh (Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư khi đó), là tôi không bảo thủ nhưng tôi nghĩ chúng ta có ông bạn khổng lồ phương Bắc, nếu ông mở toang cửa cho ông ấy vào như doanh nghiệp trong nước, thì đất nước này sẽ đi đến đâu. Khi ông Đặng Hùng Võ (Thứ trưởng Bộ tài nguyên và Môi trường khi đó) đề nghị để nông dân cho nhà đầu tư nước ngoài thoải mái thuê đất, tôi cũng phản đối. Tôi nói, ông Võ ạ, vậy thì tôi và ông sẽ ở đâu? Họ sẽ vào đây thuê cả nước, như với châu Phi vậy. Trong tình hình hiện nay, lợi ích quốc gia phải được bảo vệ bằng Hiến pháp và luật pháp, chúng ta không thể thả lỏng được.

Sau đó thì đầu tư nước ngoài phải làm thủ tục đầu tư khác với nhà đầu tư trong nước. Toàn bộ câu chuyện là thế.

TBKTSG: Dù thế nào, nhiều ý kiến của doanh nghiệp tiếp tục đề nghị bỏ thủ tục đăng ký đầu tư, thưa ông?

– Việc lựa chọn các dự án đầu tư bây giờ là đại sự. Chúng ta đã có nhiều kinh nghiệm.
Chẳng hạn, năm 20028 đã có tới 72 tỉ đô la Mỹ được cấp phép, nhưng thực chất có bao nhiêu vào Việt Nam? Tôi đề nghị Cục Đầu tư nước ngoài công bố. Có bao nhiêu nhà đầu tư công bố đầu tư 4-5 tỉ đô la Mỹ vào Việt Nam, làm cả bộ máy của nhiều địa phương chạy đôn đáo lo thủ tục, lo đất đai nhưng cuối cùng họ chả làm gì cả.

Nếu không chọn lọc nhà đầu tư FDI bằng những tiêu chuẩn nhất định, thì làm sao chọn được doanh nghiệp FDI thích hợp được.

Bên cạnh đó, có rất nhiều địa phương công bố cấp phép đầu tư chỉ trong một ngày. Samsung với dự án 3 tỉ đô la Mỹ được cấp trong một ngày là một ví dụ. Đương nhiên phải hạn chế nhũng nhiễu, nhưng bảo thủ tục phiền hà để bỏ Luật Đầu tư là không có cơ sở.

TBKTSG: Trong trường hợp năm năm nữa có cơ hội sửa Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, ông có đề nghị gộp Luật Đầu tư vào Luật Doanh nghiệp?

– Tất nhiên rồi. Nhưng không phải ngay bây giờ, khi mà luật mới có hiệu lực hơn một năm.

Chưa bàn đến số phận luật đầu tư

Quốc hội đã lắc đầu với đề xuất của Chính phủ về việc đưa Luật sửa đổi các luật liên quan đến doanh nghiệp và môi trường đầu tư kinh doanh vào chương trình xây dựng pháp luật trong năm nay.

“Tôi thực sự thất vọng”, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc phát biểu tại phiên họp đầu tuần này khi Quốc hội thông qua chương trình xây dựng pháp luật mà không có nội dung sửa đổi các luật liên quan đến doanh nghiệp và môi trường đầu tư kinh doanh như Chính phủ đề nghị.
Chỉ trong vài tháng qua Chính phủ mới đã rất nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh bằng hai nghị quyết 19 và 35; 50 nghị định và đặc biệt là đề xuất Luật sửa đổi các luật liên quan đến doanh nghiệp và môi trường đầu tư kinh doanh. Song, Quốc hội đã nói không với nỗ lực cuối. Lý do, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, Chính phủ chưa có hồ sơ dự án luật nên Quốc hội chưa có đủ cơ sở đưa vào chương trình xây dựng pháp luật để Quốc hội xem xét thông qua trong kỳ họp này.

Đây hẳn là dấu chấm hết cho cơ hội bỏ Luật Đầu tư, hay nói đúng hơn là gộp Luật Đầu tư thành một phần của Luật Doanh nghiệp. “Tôi đề nghị bỏ Luật Đầu tư, đưa nó vào Luật Doanh nghiệp”, ông Lộc nói với TBKTSG. Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Lê Mạnh Hà cũng chia sẻ với quan điểm này. “Tôi cũng không ủng hộ Luật Đầu tư vì nó không cần thiết”, ông nói khi chủ trì một hội thảo cuối tuần trước về việc xây dựng dự luật sửa đổi các luật liên quan đến doanh nghiệp và môi trường đầu tư kinh doanh.

Có rất nhiều ý kiến đề nghị bỏ Luật Đầu tư trong vòng 17 năm qua. Trong quá trình chuẩn bị dự thảo Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư trước năm 2014, các chuyên gia lại đưa ra quan điểm này. Song, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh lúc đó vẫn kiên quyết giữ nguyên. Giải thích về điểm gây nhiều tranh cãi nhất là về việc vì sao doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài vẫn phải có thêm giấy chứng nhận đầu tư sau khi đã có giấy đăng ký kinh doanh, ông nói đó là để bảo vệ nền kinh tế khỏi những dự án ma. Nếu các nhà đầu tư nước ngoài thực sự muốn đầu tư kinh doanh ở Việt Nam, thì họ trước hết phải có giấy đăng ký kinh doanh để chứng minh sự hiện diện ở đây đã, rồi mới được đầu tư. Quy định này là phương cách Nhà nước bảo vệ nền kinh tế từ những quốc gia láng giềng.

Tuy nhiên, chính quy định này lại làm cả doanh nghiệp và cơ quan cấp phép đều rối bời, tạo cơ hội cho sự nhũng nhiễu.

Tư Giang

Xem thêm:

Luật Đầu tư liệu có cần thiết?

[ad_2]

— Đăng bởi HH —