Vì sao Tòa Trọng tài “bất ngờ” xử “đường chín đoạn”?

[ad_1]

Vì sao Tòa Trọng tài “bất ngờ” xử “đường chín đoạn”?

Phạm Ngọc Minh Trang (*) – Trần Duy (**)

Hoạt động cải tạo của Trung Quốc tại đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ảnh: AFP

(TBKTSG) – Ngày 21-6-2013, Tòa Trọng tài phụ lục VII Công ước Luật Biển 1982 (sau đây gọi là “Tòa Trọng tài”) chính thức được thành lập theo đơn kiện của Philippines vào tháng 1-2013.

Trong suốt quá trình tố tụng từ những khâu thủ tục đầu tiên cho đến khi Tòa Trọng tài ra phán quyết cuối cùng vào ngày 12-7-2016, Trung Quốc không dưới năm lần tuyên bố bác bỏ thẩm quyền của Tòa Trọng tài và hiệu lực pháp lý của các phán quyết. Gần đây nhất, một ngày sau phán quyết của Tòa Trọng tài, Trung Quốc vẫn lặp lại quan điểm của mình về vụ kiện.

Bài viết này thảo luận những quan điểm của Trung Quốc và chỉ ra tại sao những quan điểm này đều không có cơ sở trong Công ước Luật Biển 1982 (sau đây gọi là UNCLOS).

Theo UNCLOS, “quyền lịch sử” không phải là “ngoại lệ”, tức không được xét xử

Philippines yêu cầu Tòa Trọng tài ra phán quyết về giá trị pháp lý của “đường chín đoạn” và quyền lịch sử của Trung Quốc tại biển Đông. Trung Quốc cho rằng yêu cầu này liên quan trực tiếp đến quyền lịch sử của nước này tại biển Đông, nằm trong ngoại lệ được nêu tại UNCLOS. Do đó, Tòa Trọng tài không có thẩm quyền giải quyết các vấn đề được Philippines nêu trong đơn kiện. Tại phán quyết về thẩm quyền vào ngày 29-10-2015, Tòa Trọng tài đã bảo lưu, chưa đưa ra quyết định về thẩm quyền của mình đối với hai điểm này. Nhưng đến ngày 12-7-2016, trong phán quyết cuối cùng, Tòa Trọng tài không những tuyên bố có thẩm quyền xem xét vấn đề này mà còn bác bỏ toàn bộ yêu sách về quyền lịch sử của Trung Quốc tại biển Đông, khẳng định sự vô giá trị về mặt pháp lý của “đường chín đoạn”.

Theo Tòa Trọng tài, ngoại lệ được quy định tại điều 298 của UNCLOS là nhằm loại trừ thẩm quyền của tòa đối với các tranh chấp liên quan đến “vịnh lịch sử” hay “danh nghĩa lịch sử” và yêu cầu của Philippines không nằm trong phạm vi của ngoại lệ này.

Đến ngày 12-7-2016, trong phán quyết cuối cùng, Tòa Trọng tài không những tuyên bố có thẩm quyền xem xét vấn đề này mà còn bác bỏ toàn bộ yêu sách về quyền lịch sử của Trung Quốc tại biển Đông,
khẳng định sự vô giá trị về mặt pháp lý của
“đường chín đoạn”.

Thứ nhất, biển Đông không phải là một vịnh dù là về mặt địa lý hay pháp lý. Thứ hai, bản chất yêu sách “đường chín đoạn” của Trung Quốc tại biển Đông là quyền lịch sử đối với tài nguyên khoáng sản tại đây. Khái niệm “quyền lịch sử” không đồng nghĩa với “danh nghĩa lịch sử” được quy định tại điều 298. Danh nghĩa lịch sử gắn liền với chủ quyền của một quốc gia đối với những vùng biển nhất định trong suốt một thời gian dài và phải được thể hiện qua sự kiểm soát độc quyền của quốc gia đó. Tòa Trọng tài nhấn mạnh rằng không có bằng chứng cho thấy Trung Quốc kiểm soát độc quyền cả vùng biển rộng lớn tại biển Đông mà không vấp phải sự phản đối của các quốc gia khác trong khu vực. Do đó, việc Trung Quốc tuyên bố quyền lịch sử tại biển Đông thông qua yêu sách “đường chín đoạn” không thể xem là Trung Quốc tuyên bố danh nghĩa lịch sử tại đây. Vì vậy, yêu sách quyền lịch sử của Trung Quốc không phải là một ngoại lệ được quy định tại điều 298 của UNCLOS.

Đi vào vấn đề nội dung về giá trị pháp lý của tuyên bố về quyền lịch sử thông qua yêu sách “đường chín đoạn” này, Tòa Trọng tài nhìn lại quá trình hình thành và phân tích nội dung UNCLOS. Tòa nhận thấy quyền lịch sử về khai thác tài nguyên sinh vật và khoáng sản đã được nêu ra trong quá trình xây dựng UNCLOS tại Liên hiệp quốc. Vì vậy, tuy khái niệm “quyền lịch sử” tồn tại trong luật biển quốc tế nhưng khi trở thành thành viên của UNCLOS, các quốc gia đã từ bỏ quyền lịch sử đối với các vùng biển để chấp nhận các quyền của quốc gia ven biển đối với tài nguyên trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa được thiết lập theo quy định của UNCLOS. Đồng thời, tòa này cũng phân tích các quy định của UNCLOS về quyền chủ quyền và quyền tài phán của quốc gia ven biển tại EEZ và thềm lục địa và khẳng định các quyền này không đồng nghĩa với khái niệm “quyền lịch sử” hình thành từ trước khi UNCLOS có hiệu lực.

Trên cơ sở đó, Tòa Trọng tài khẳng định UNCLOS chỉ cho phép các quốc gia thành viên có quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với tài nguyên nằm trong EEZ và thềm lục địa của mình. Việc trở thành thành viên UNCLOS cũng đồng nghĩa với việc từ bỏ các quyền lịch sử đối với tài nguyên tại các vùng biển xa hơn EEZ và thềm lục địa. Do đó, cái gọi là “quyền lịch sử” mà Trung Quốc tuyên bố là hoàn toàn không phù hợp với UNCLOS. Từ đó, tòa khẳng định yêu sách “đường chín đoạn” của Trung Quốc tại biển Đông hoàn toàn không có giá trị pháp lý.

Gián tiếp loại bỏ cả yêu sách chủ quyền của Trung Quốc với các thực thể tại Trường Sa

Trong đơn kiện gửi đến Tòa Trọng tài, Philippines yêu cầu Tòa Trọng tài làm rõ bản chất pháp lý của tám thực thể tại quần đảo Trường Sa là đảo, đá hay những thực thể lúc nổi lúc chìm. Theo Trung Quốc, vấn đề này liên quan đến việc xác định chủ quyền đối với các thực thể và liên quan đến việc phân định các vùng biển tại khu vực Trường Sa. Trung Quốc cho rằng theo quy định của UNCLOS, Tòa Trọng tài không có thẩm quyền giải quyết cả hai vấn đề này. Tuy nhiên, trong phán quyết về thẩm quyền, tòa này đã khẳng định một tranh chấp có thể bao gồm nhiều vấn đề pháp lý khác nhau, nhưng việc một hoặc một số vấn đề nằm ngoài thẩm quyền giải quyết của tòa, không làm mất đi thẩm quyền của tòa này đối với các vấn đề còn lại.

Quan điểm này đã nhiều lần được các tòa án quốc tế khẳng định trong các án lệ trước đây. Việc xác định bản chất pháp lý của các thực thể tại Trường Sa chính là giải thích và áp dụng các điều 13 và 121 của UNCLOS nên Tòa Trọng tài hoàn toàn có thẩm quyền giải quyết vấn đề này. Trong phán quyết ngày 12-7-2016, Tòa Trọng tài đã có quyết định cực kỳ quan trọng về bản chất pháp lý của không chỉ tám thực thể mà Philippines yêu cầu mà còn của toàn bộ các thực thể tại quần đảo Trường Sa.

Theo đó, sau khi xem xét các bằng chứng xác thực và đáng tin cậy nhất về địa lý, địa chất và địa mạo, Tòa Trọng tài đã khẳng định không một thực thể nào tại Trường Sa hội đủ các yếu tố để được coi là “đảo” theo quy định tại điều 121 của UNCLOS. Kết luận này đồng nghĩa với việc khẳng định không một thực thể nào tại Trường Sa có thể tạo nên EEZ và thềm lục địa của riêng mình. Cụ thể hơn, tòa này đã xác định các thực thể Tư Nghĩa, Ga Ven Nam, Xu-bi, Vành Khăn và Cỏ Mây là thực thể lúc nổi lúc chìm. Từ đó, gián tiếp loại bỏ yêu sách chủ quyền của Trung Quốc tại các thực thể này.

Trước phán quyết ngày 12-7, Tòa Trọng tài cũng nhấn mạnh các phán quyết của tòa này là chung thẩm và mang tính ràng buộc pháp lý đối với các bên của vụ kiện là Philippines và Trung Quốc. Do đó, việc Trung Quốc tuyên bố phản đối và không tuân thủ các quyết định của Tòa Trọng tài không làm mất đi giá trị pháp lý của các phán quyết này và đây là hành vi đi ngược, nếu không muốn nói là vi phạm trắng trợn luật pháp quốc tế và những cam kết của Trung Quốc với tư cách là thành viên UNCLOS.

Bài viết là một phần của báo cáo trình bày tại tọa đàm quốc tế “Cập nhật các vấn đề pháp lý và chính sách tại biển Đông sau phán quyết của Tòa Trọng tài” vào sáng 22-7 tới do Trung tâm Nghiên cứu quốc tế và Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và chính sách quốc gia, Trường ĐHKHXH&NV TPHCM đồng tổ chức.

(*) Khoa Quan hệ quốc tế, trường ĐHKHXH&NV TPHCM

(**) Đại học Melbourne, Úc

Mời xem thêm

Phán quyết của tòa trọng tài PCA: Lẽ phải mạnh hơn gươm súng

Một số phán quyết và lập luận của PCA

[ad_2]

— Đăng bởi HH —