Vì sao ăn trên máy bay ngon miệng hơn khi ăn ở mặt đất?

Áp suất từ độ cao hàng nghìn mét khiến khẩu vị thay đổi, cùng tâm lý “không ăn thì phí của” khi được cung cấp đồ ăn miễn phí khiến chúng ta thấy đồ ăn trên máy bay ngon hơn.

Trong cuốn sách mới, Gastrophysics: The New Science of Eating, giáo sư Charles Spence đang công tác tại Đại học Oxford (Anh) cho rằng bữa ăn được các hãng hàng không phục vụ trên các chuyến bay thường có hương vị ‘khủng khiếp’, nhưng lại được hành khách ưa thích, thậm chí một số người còn cảm thấy ngon miệng hơn các bữa ăn ở mặt đất. Có 3 nguyên nhân dẫn đến điều này.

Nếu không muốn ăn trên trên các chuyến bay, bạn nên ăn một bữa ăn giàu chất dinh dưỡng trước khi rời khỏi nhà, và mang theo một số đồ ăn vặt lành mạnh như các loại hạt và uống nhiều nước. Cơ thể có thể mất tới 1,5 lít nước khi ngồi lâu trên máy bay và có thể gây ra các cơn đau đầu.

Thay đổi khẩu vị

Theo giáo sư Spence, khẩu vị của chúng ta khi ở trên mặt đất rất khác so với trên máy bay đang ở độ cao 9.000-10.000 m. Cơ quan cảm thụ độ ngọt và mặn bị suy yếu đáng kể khi ở trên máy bay khiến các món ăn trở nên ‘nhạt nhẽo’, không ngon miệng. Thêm nữa, áp suất thấp cùng với không khí khô và tiếng ồn của động cơ máy bay là nguyên nhân làm giảm khả năng nếm và ngửi thức ăn và thức uống. Do đó, các hãng hàng không thường ‘biến tấu’ bằng cách tăng thêm từ 20-30% lượng đường và muối vào món ăn để khiến nó có hương vị giống như thức ăn trên mặt đất.

Nhàm chán trên chuyến bay dài

Một nguyên nhân khác nữa đó chính là sự nhàm chán trên các chuyến bay dài. Trên các chuyến bay dài, mọi người thường ngủ, xem phim, nghe nhạc hoặc đọc sách, chính sự nhàn rỗi đó khiến chúng ta thèm ăn.

‘Khi không có gì khác để làm, ăn uống trở thành một thú tiêu khiển khó cưỡng lại và nhất là khi đồ ăn lại được cung cấp hoàn toàn miễn phí’, giáo sư Spence nói.

‘Hội chứng buffet’

Trên một số chuyến bay dài, suất ăn trên máy bay được cung cấp miễn phí, nên nhiều người sẽ tích cực ăn với tâm không ăn thì phí của, vì nhiều người đã được dạy cách không nên lãng phí thức ăn từ khi còn nhỏ.

Theo bà Claire Turnbull, một chuyên gia về dinh dưỡng người New Zealand: ‘Nếu bạn lớn lên trong một môi trường không khá giả, bạn có thể sẽ thấy có lỗi nếu lãng phí đồ ăn. Tất cả chúng ta thực hiện khoảng 200 quyết định thuộc về tiềm thức có liên quan đến thức ăn mỗi ngày, trong đó việc lãng phí thức ăn cũng có ảnh hưởng đến các quyết định đó’.

Suất ăn trên các chuyến bay thường có lượng calorie vượt quá lượng được các chuyên gia dinh dưỡng khuyến nghị hàng ngày. Việc thêm đường và muối vào món ăn để tăng hương vị có thể gây ra ảnh hưởng tới sức khỏe của nhiều hành khách.

Đầu bếp nổi tiếng người Scotland, Gordon Ramsay, cũng đồng tình với quan điểm trên và từng tuyên bố rằng ông sẽ không bao giờ ăn đồ ăn trên máy bay lần nào nữa. ‘Sau 10 năm làm việc cho hãng hàng không Singapore Airlines, tôi biết xuất xứ của những món ăn này, chúng sẽ đi tới đâu và phải mất bao lâu mới lên được máy bay. Vì vậy tôi sẽ không bao giờ ăn đồ ăn trên máy bay nữa’, ông Ramsay nói.