Bắc một cây cầu từ rừng đến phố thị

[ad_1]

Bắc một cây cầu từ rừng đến phố thị

Đức Tâm

Trịnh Thị Ngọc Hiện – áo vàng – giới thiệu về các sản phẩm tại gian hàng của mình với khách tham quan. Ảnh: ĐT

(TBKTSG Online) – Tại TPHCM, 100% các mẫu thủy sản bán trên địa bàn thành phố được xét nghiệm gần đây đều có chứa những chất kháng sinh, hóa chất cấm (*). Tại Bến Tre, thủy sản tự nhiên được mua đồng giá với thủy sản nuôi trồng và khó tìm đầu ra. Ở đây có một bài toán phân phối cần giải.

Trịnh Thị Ngọc Hiện, một cô gái xứ dừa cùng với những người bạn đang nỗ lực chung tay giải bài toàn trên qua dự án “Kinh doanh với người giữ rừng”. 

Trình bày tại vòng chung kết cuộc thi “Dự án khởi nghiệp” do Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ Doanh nghiệp (BSA) tổ chức sáng nay, 2-10, tại TPHCM, Hiện cho biết ở Bến Tre có khoảng 6.000 héc ta rừng ngập mặn nơi cung cấp một sản lượng phong phú các loại thủy sản tự nhiên. Các loại thủy sản này được những người bảo vệ rừng khai thác và bán cho thương lái đồng giá với thủy sản nuôi trồng trong khi họ hoàn toàn có thể bán với giá tốt hơn.

Có điều gì đó chưa hợp lý ở đây và Hiện cùng những người bạn quyết định cùng nhau làm cầu nối để có thể đưa thủy sản đến thị trường TPHCM, nơi thủy sản được nhìn nhận đúng giá trị và được bán với giá tốt hơn. Cô trả cho người dân với mức giá cao hơn 15% so với thủy sản nuôi trồng. Về lâu dài, cô mong có thể tăng lên 20 – 25%.

Những tưởng với cơn khát thực phẩm sạch tại TPHCM, dự án của Hiện sẽ dễ dàng tìm được thị trường và phát triển. Tuy vậy, thực tế là một câu chuyện khác. Mặc dù bắt đầu từ năm 2013 đến nay, mỗi tháng cô chỉ bán được 200 ký hải sản, bằng 1/5 so với năng lực hiện tại mà nhóm nông dân của cô có thể cung cấp.

Khó khăn trên, rất có thể, sẽ được giải quyết khi qua cuộc thi, mọi người biết đến dự án của Hiện nhiều hơn. Thế nhưng sẽ là thiếu sót nếu chỉ nhìn câu chuyện trên ở khía cạnh kinh doanh mà bỏ qua khía cạnh môi trường và cuộc sống của những người dân giữ rừng, những người trực tiếp khai thác nguồn thủy sản.

Trong bài thuyết trình của mình, Hiện cho biết, với mỗi héc ta rừng được giao, người dân được trả 100.000 đồng/năm để chịu trách nhiệm bảo vệ và có quyền khai thác thủy sản ở khoảng 40% diện tích mặt nước trong khu vực quản lý của mình. Phương kế mưu sinh của người dân nằm ở nguồn thủy sản nhưng tài nguyên không vô tận và vấn đề khai thác bền vững phải được tính đến.

Tốt nghiệp chuyên ngành Quản lý Tài nguyên môi trường, trường Đại học Nông Lâm TPHCM nên Hiện hiểu rất rõ bài toán trên. Và cô hướng dẫn người người dân khai thác bền vững, bắt đầu với một nhóm nhỏ, những người có tinh thần cởi mở. Cô thuyết phục họ chỉ bắt những con lớn và trả những con nhỏ về với tự nhiên. Cô xây dựng thói quen cho họ thông qua việc chỉ mua những con đạt kích thước theo thỏa thuận.

Không dễ để thay đổi một thói quen. Càng không dễ khi đối tượng là những người dân và thói quen đó ảnh hưởng trực tiếp đến sinh kế của người ta. Vậy mà Hiện làm được, dù thành quả còn rất khiêm tốn, sau một năm kiên trì đi cùng người dân. Cô kể trước kia người dân dùng lưới 5 (loại lưới nhỏ, mắt lưới hình vuông, kích thước chiều dài cạnh mắt lưới là 5 mm) thì nay họ dùng lưới 10; trước kia cây rừng có rậm rạp tán lá, họ cũng chẳng buồn tỉa thì nay đã chịu cắt. Họ hiểu chỉ khi rừng được bảo vệ thì thủy sản – nguồn sống của họ – mới được nuôi dưỡng tốt.

Hiện tại, nhóm nông dân của cô gái trẻ sinh năm 1988 này mới chỉ có 10 người với diện tích rừng quản lý chỉ tầm 300 héc ta tại xã Thạnh Phong, huyện Thạnh Phú, Bến Tre. Bên cạnh khai thác thủy sản, nhóm bạn của Hiện còn tổ chức các tour du lịch sinh thái để góp phần nâng cao thu nhập của người dân địa phương.

Có thể thấy mô hình kinh doanh của Hiện không có gì phức tạp; dễ dàng bị sao chép. Vậy nếu có đối thủ nhảy vào và làm tốt hơn thì làm sao cạnh tranh?

“Nếu họ làm tốt hơn, em sẵn lòng làm nhân viên cho họ. Vì mục đích sau cùng em mong muốn đó là cải thiện thu nhập của người giữ rừng một cách bền vững. Chỉ có như vậy họ mới có động lực giữ rừng”, Hiện đáp câu hỏi của một vị giám khảo trong cuộc thi.

(*) Tham khảo bản tin: TPHCM: nhiều thủy sản trên thị trường có chất cấm

Mời xem thêm:

Khởi nghiệp trên quê hương

Lập nghiệp trên quê hương – câu chuyện “Dinh heo rừng”

Sắp diễn ra cuộc thi chung kết “Dự án khởi nghiệp 2016”

 

 

[ad_2]

— Đăng bởi HH —