Đại biểu Quốc hội bức xúc về những vấn đề nóng của đất nước

[ad_1]

Đại biểu Quốc hội bức xúc về những vấn đề nóng của đất nước

Tư Hoàng

Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu, Nghệ An. Ảnh: quochoi.vn

(TBKTSG Online) – Các đại biểu Quốc hội có cơ hội phát biểu tại phiên thảo luận ở hội trường về kinh tế – xã hội đã bày tỏ hàng loạt các vấn đề dân sinh bức xúc, quản lý yếu kém ở nhiều lĩnh vực của đất nước.

Đại biểu Trần Công Thuật (Quảng Bình) nói: “Nhiều vấn đề đang đặt ra rất gay gắt… như giải quyết nợ xấu, chọn người tài hay người nhà, vệ sinh an toàn thực phẩm, giết người man rợ, những vấn nạn liên quan đến ma túy, ô nhiễm môi trường diễn ra khắp nơi…”.

Ông bổ sung thêm: “Không có cuộc tiếp xúc cử tri nào mà cử tri không nhắc đến những vấn đề này, thật sự rất nhức nhối và đang cần một kỷ cương, kỷ luật rất mạnh để sắp xếp lại, giải quyết cơ bản những vấn đề này”.

Liên quan đến việc Công ty Formosa Hà Tĩnh gây ô nhiễm biển, ông Thuật đặt câu hỏi, nếu số tiền 500 triệu đô la Mỹ mà Formosa bỏ ra để bồi thường không đủ để đền bù cho dân thì ai sẽ bù đắp.

“Đến nay chưa ai đứng ra nhận trách nhiệm về vấn đề xả thải của Formosa. Chúng ta chưa chỉ ra ai là người chịu trách nhiệm về mặt quản lý nhà nước đối với vấn đề Formosa”, ông Thuật phản ánh.

Ông cho biết, cử tri và nhân dân muốn biết nếu nhà máy xả thải lỏng thì kiểm soát thế nào. Nếu chất thải rắn dạng khô thì xử lý thế nào, chôn lấp ở đâu.

“Sự cố môi trường biển làm tan nát cả ngành du lịch và các doanh nghiệp du lịch bị điêu đứng, thiệt hại rất lớn. Cần có giải pháp để cứu giúp các doanh nghiệp du lịch đang có nguy cơ bị phá sản. Cần xem xét, bồi thường cho nhóm đối tượng và các xã, phường ngoài bảy nhóm đối tượng được quy định mà địa phương xác định có chịu thiệt hại để bà con bớt khổ, bớt thiệt thòi. Cần cân nhắc mức đền bù thỏa đáng hơn và tính đến thời gian bồi thường 6 tháng đã hợp lý chưa”.

Tại thời điểm này, bà con Quảng Bình vẫn đang chống chọi với lũ lụt, tài sản nhà nước và nhân dân tổn thất rất lớn. Tổng kết ban đầu tỉnh Quảng Bình thiệt hại trong đợt lũ ngày 14-10 vừa qua là 2.784 tỉ đồng. Con số này xấp xỉ thu ngân sách cả năm 2016 của tỉnh, không biết sẽ làm thế nào và khi nào mới bù đắp được thiệt hại này.

Từ khó khăn trên, cử tri và nhân dân Quảng Bình kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành trung ương một nguyện vọng: đề nghị chuyển cho Quảng Bình một số gói cứu trợ khẩn cấp, giúp tỉnh gượng dậy sau đợt lũ lụt vừa rồi, cụ thể về xử lý môi trường, về thiếu đói, về nước sinh hoạt và các nhu cầu thiết yếu khác, về giống cây con giúp bà con sản xuất.

Đại biểu Nguyễn Thái Học (Phú Yên) đồng tình: “Đời sống của người dân còn khó khăn, nhất là vùng bị thiên tai, bão lũ, hạn hán, xâm ngập mặn và s ự cố môi trường”. Ông nói: “Hôm nay, Quốc hội thảo luận ở đây, nhưng đồng bào miền Trung đang chống chọi với lũ lụt và có những thực tế đáng lo ngại. Nhiều hộ dân không có cơm để ăn, nhiều gia đình không có áo để mặc ấm”.

Đại biểu Học đề nghị Chính phủ cần quan tâm và ưu tiên cứu đói, giảm nghèo trước mắt; quan tâm đầu tư trang thiết bị cho ngành y tế, nhất là y tế cơ sở để có điều kiện chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Lo lắng tham nhũng, thất thoát tài sản công

Đại biểu Nguyễn Thái Học bày tỏ lo lắng, có tiêu cực, có thất thoát tài sản của nhà nước trong quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước? Ông nói: “Người dân rất đồng tình, ủng hộ khi Thủ tướng Chính phủ khẳng định Chính phủ tiết kiệm từng đồng thuế của dân. Vậy cả tỉ tỉ đồng thất thoát trong quá trình cổ phần hóa sẽ được xem xét giải quyết như thế nào. Đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo thanh tra làm rõ để xử lý sai phạm, thu hồi tiền của nhân dân bị thất thoát”.

Đại biểu Hoàng Duy Chinh (Bắc Kạn) bổ sung thêm, việc đầu tư sản xuất của các doanh nghiệp nhà nước, một số dự án chưa hiệu quả, thua lỗ kéo dài v… gây sự hoài nghi, lo lắng của cử tri. “Cử tri đề nghị cần làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân để xảy ra những thiếu sót làm ảnh hưởng xấu đến sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Cử tri mong muốn Chính phủ cần quyết liệt, chặt chẽ hơn, không để các hiện tượng như trên xảy ra trong thời gian tới”, ông nói.

Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An) nói ông vô cùng lo lắng khi xem xét danh sách 65 dự án do các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đầu tư mà Chính phủ đã chuyển cho các đại biểu Quốc hội.

Chẳng hạn, 4 dự án Nhà máy sợi Đình Vũ, Nhà máy nhiên liệu ethanol của Dung Quất, Nhà máy bột giấy Phương Nam, Nhà máy đạm Ninh Bình đã lỗ 7.300 tỉ đồng. Nhà máy gang thép Thái Nguyên, giai đoạn 2, gói thầu Dung Quất vốn đầu tư ban đầu là 3.843 tỉ đồng nay nâng lên là 8.104 tỉ đồng, tăng 4.261 tỉ đồng.

“Tôi đề nghị Chính phủ tập trung chỉ đạo xử lý sớm, nếu không nợ sẽ chồng lên nợ. Đồng thời, phải xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức để xảy ra tình trạng này và báo cáo cho Quốc hội biết”, ông Cầu nói.

Ông Cầu nhận xét, bộ máy thực thi công vụ, kể cả trung ương và địa phương chuyển động chậm chạp, kỷ luật, kỷ cương hành chính không nghiêm.

Đại biểu cho rằng, Chính phủ cần ban hành quy trình xử lý kỷ luật ngắn gọn, nghiêm minh; chấm dứt ngay tình trạng cán bộ vi phạm rõ ràng mà cả năm không xử lý được.

“Chính phủ cần mạnh tay, kể cả đuổi việc một số trường hợp vi phạm để răn đe, giáo dục làm gương cho mọi người. Làm như vậy sẽ nâng cao được chỉ số lòng tin, làm yên lòng người dân và doanh nghiệp”, đại biểu Cầu nói.

[ad_2]

— Đăng bởi HH —