Dự báo nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực tăng khá

[ad_1]

Dự báo nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực tăng khá

Văn Nam

Sáu tháng đầu năm xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt 13,3 tỉ đô la Mỹ, tăng 4,1% so với cùng kỳ năm 2015. Ảnh: TL

(TBKTSG Online) – Cho dù nhu cầu thị trường và đơn hàng giảm trên thị trường toàn cầu trong 6 tháng đầu năm 2016, Bộ Công Thương vẫn dự báo tình hình xuất khẩu sẽ được cải thiện trong 6 tháng cuối năm nay với mức tăng 10% so với nửa đầu năm. Dự báo kim ngạch xuất khẩu nhiều mặt hàng chủ lực của Việt Nam sẽ có mức tăng trưởng khá cho cả năm.

Theo báo cáo của Bộ Công Thương tại hội nghị thúc đẩy xuất khẩu 6 tháng cuối năm diễn ra tại TPHCM sáng nay (19-7), trong 6 tháng đầu năm 2016, kim ngạch xuất khẩu cả nước đạt 82,13 tỉ đô la Mỹ, tăng 5,7% so với cùng kỳ. Trong đó nhóm nông, lâm, thủy sản đạt 13,3 tỉ đô la Mỹ, tăng 4,1%; nhóm công nghiệp chế biến đạt 62,59 tỉ đô la Mỹ, tăng 8,7% so cùng kỳ; nhóm hàng nhiên liệu, khoáng sản đạt 1,65 tỉ đô la Mỹ, giảm mạnh gần 40% so với cùng kỳ.

Phân tích về nguyên nhân xuất khẩu giảm của nhóm hàng nhiên liệu khoáng sản, Bộ Công Thương cho biết lượng xuất khẩu của nhóm hàng này liên tục giảm trong vài năm gần đây, điều này phù hợp vói chủ trương giảm xuất khẩu khoáng sản thô và dành lượng dầu thô khai thác để phục vụ sản xuất xăng dầu trong nước.

Việc giảm lượng xuất khẩu song song với giảm giá xuất khẩu đã khiến kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này sụt giảm mạnh và chỉ còn đóng góp khoảng 2% trong tổng kim ngạch xuất khẩu.

Ngoài ra, nguyên nhân tăng trưởng xuất khẩu nhiều mặt hàng chưa cao trong nửa đầu năm nay, theo Bộ Công Thương, bắt nguồn từ giá xuất khẩu nhiều mặt hàng giảm do tổng cầu nhập khẩu nhóm hàng nông lâm thủy sản trên thị trường thế giới vẫn ở mức thấp vì tác động suy yếu kinh tế của Trung Quốc, Braxin. Nhiều thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như Mỹ, EU, Nhật Bản đều giảm nhu cầu nhập khẩu.

Bộ Công Thương dự báo trong 6 tháng cuối năm, nếu xét theo chu kỳ thì xuất khẩu luôn cao hơn 6 tháng đầu năm khoảng 10%. Ngoài ra, nhiều mặt hàng bắt đầu hưởng lợi từ các hiệp định thương mại mới ký kết, giúp hàng nông lâm thủy sản Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều thách thức trong 6 tháng cuối năm như các nước có cơ cấu hàng xuất khẩu tương tự Việt Nam sẽ tăng cường các biện pháp đẩy mạnh xuất khẩu do kết quả xuất khẩu những tháng đầu năm không khả quan (Trung Quốc giảm 7,6%, Ấn Độ giảm 8%, Braxin giảm 3,4%, Indonesia giảm 13,6%) sẽ khiến xuất khẩu của Việt Nam những tháng cuối năm 2016 gặp phải cạnh tranh gay gắt hơn.

Đi vào từng mặt hàng cụ thể cho cả năm 2016, Bộ Công Thương dự báo đối với mặt hàng thủy sản dự kiến xuất khẩu cả năm 2016 đạt kim ngạch khoảng 7,12 tỉ đô la Mỹ, tăng 8% so với năm 2015; cà phê dự báo đạt khoảng 1,5 triệu tấn với trị 2,43 tỉ đô la Mỹ, tăng 10% về lượng và giảm 7% về kim ngạch; cao su ước đạt 1,1 triệu tấn với kim ngạch 1,65 tỉ đô la Mỹ (xấp xỉ năm 2015); hồ tiêu ước đạt 145.000 tấn với kim ngạch 1,38 tỉ đô la Mỹ, tăng 8,9% về lượng và tăng 9,5% về kim ngạch; hạt điều ước đạt 350.000 tấn với kim ngạch 2,6 tỉ đô la Mỹ, tăng 8,3% về kim ngạch so với năm 2015 …

Đặc biệt đối với nhóm hàng dệt may, Bộ Công Thương dự báo cả năm 2016 này sẽ đạt kim ngạch xuất khẩu 28,5-29 tỉ đô la Mỹ, chỉ tăng 5% so với năm 2015 do đơn hàng và nhu cầu thị trường giảm.

Theo ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep), năm 2016 này các vùng nguyên liệu cho ngành thủy sản khó khăn khiến nguyên liệu chế biến tôm tăng cao.

Trước đây Việt Nam chỉ có ba thị trường xuất khẩu thủy sản chính là Mỹ, châu Âu và Nhật Bản thì nay có thêm Trung Quốc chiếm khoảng 16% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản Việt Nam.

Hiện Việt Nam đang xuất khẩu thủy sản sang 144 thị trường, trong đó có 5 thị trường lớn nhất chiếm hơn 70% tổng kim ngạch gồm Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc. Ông Hòe cho biết bên cạnh thúc đẩy sản xuất nguyên liệu trong nước, ngành thủy sản cần tăng cường nguồn nguyên liệu nhập khẩu để ngành phát triển bền vững hơn.

Ông Hòe kiến nghị cần cải cách thủ tục hành chính trong hoạt động xuất khẩu để giúp doanh nghiệp ổn định hoạt động kinh doanh xuất khẩu. Ông Hòe cũng kiến nghị Bộ Công Thương kiến nghị, tác động Chính phủ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp liên quan đến quy định về công bố hợp quy các lô hàng nhập khẩu gây mất thời gian cho doanh nghiệp, có lô hàng nhập về chờ mất hơn cả tháng trời. Bộ Công Thương cần hướng dẫn cho dooanh nghiệp nắm rõ các ưu đãi từ các hiệp định thương mại Việt Nam đã ký kết.

Xem thêm:

>> Xuất khẩu gạo đầu năm 2016 sẽ ít bị áp lực

[ad_2]

— Đăng bởi HH —