Hỗ trợ bằng cách cấm phân biệt đối xử

[ad_1]

Hỗ trợ bằng cách cấm phân biệt đối xử

Thời báo Kinh tế Sài Gòn

Tạo sân chơi bình đẳng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa là ý kiến trọng tâm tại Hội thảo tham vấn dự thảo Luật Hỗ trợ DNNVV diễn ra tại TPHCM mới đây -Ảnh: Quốc Hùng.

(TBKTSG) – Trong phiên họp thường kỳ tháng 8 vừa qua, các thành viên Chính phủ đã dành nhiều thời gian thảo luận dự thảo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Cả ba Phó thủ tướng Trương Hòa Bình, Vương Đình Huệ và Vũ Đức Đam đều cho rằng cần hỗ trợ để hàng triệu hộ kinh doanh cá thể mạnh dạn thành lập doanh nghiệp. Chắc chắn đây là việc phải làm, nhưng có thành công hay không gần như tùy thuộc hoàn toàn vào quyết tâm của Chính phủ để tạo ra một môi trường kinh doanh mà ở đó doanh nghiệp nhỏ và vừa không còn phải lo sợ bị phân biệt đối xử bằng những rào cản kinh doanh.

Không phải ngẫu nhiên mà các nhà soạn thảo luật đã đưa ngay hai điều cấm vào phần đầu của nội dung hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đó là “Nghiêm cấm cơ quan, tổ chức ban hành quy định phân biệt đối xử về điều kiện kinh doanh, thực hiện thủ tục hành chính, tiếp cận các nguồn lực dựa trên các tiêu chí về qui mô kinh doanh, trừ khi các quy định này được luật quy định; Có hành vi phân biệt đối xử, sách nhiễu, gây khó khăn đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa…”.

Từ khi Luật Doanh nghiệp có hiệu lực vào ngày 1-7-2016, các cơ quan, tổ chức đã không còn được phép ban hành quy định phân biệt đối xử thông qua các điều kiện kinh doanh. Nhưng các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa, vẫn chưa thể yên tâm khi mà những quy định mang tính phân biệt đối xử vẫn còn chỗ để tồn tại, nhất là dưới hình thức điều kiện kinh doanh hay giấy phép con.

Trong phiên họp thường kỳ tháng 8-2016, nhiều thành viên Chính phủ đã đề nghị bãi bỏ điều 292 trong Bộ luật Hình sự về tội kinh doanh trái phép trên mạng, một quy định đang gây lo sợ cho công đồng khởi nghiệp. Còn nhiều sự phân biệt khác đang tồn tại trong luật hoặc một số cơ quan nhà nước đang cố gắng để đưa vào luật – những quy định mà chỉ thoạt nhìn cũng dễ dàng nhận ra là đã và sẽ triệt tiêu đường sống của các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đó chẳng hạn như quy định về điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo; điều kiện kinh doanh phân bón; điều kiện kinh doanh nhập khẩu ô tô và gần đây là Nghị định về điều kiện kinh doanh khí đốt.

Không chỉ bị phân biệt đối xử, doanh nghiệp nhỏ và vừa còn mang trong lòng mối sợ khác – sợ bị sách nhiễu, gây khó khăn. Trong báo cáo về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh 2015 được công bố cách nay không lâu, những người khảo sát đã phát hiện ra tâm lý đáng lo ngại trong cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa, đó là tâm lý “ngại lớn”. Họ ngại lớn, vì sợ rằng khi doanh nghiệp lớn lên sẽ phải chịu thanh tra, kiểm tra nhiều hơn và qua đó có thể bị sách nhiễu nhiều hơn. Họ sợ những sai lầm kinh doanh trong quá trình lớn lên của doanh nghiệp có thể sẽ bị hình sự hóa, rồi bị tù tội…

Lâu nay khi nói về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, chúng ta thường tập trung vào các vấn đề như chính sách hỗ trợ vốn, tiếp cận đất đai, tiếp cận chính sách ưu đãi… Đó là những chính sách cần thiết, nhưng chắc chắn chưa phải là điều doanh nghiệp cần nhất hiện nay. Cái họ cần là một môi trường kinh doanh lành mạnh và minh bạch, một môi trường kinh doanh mà ở đó không có những phân biệt đối xử, không có các rào cản và bản thân các chủ doanh nghiệp, người khởi nghiệp có thể tự do sáng tạo, tự do đột phá, tự tin đương đầu với rủi ro và thử thách mà không bị ám ảnh bởi những mối lo sợ đến từ phía cơ quan quản lý nhà nước.

[ad_2]

— Đăng bởi HH —