Nhận diện thế nào về điều kiện kinh doanh?

[ad_1]

Nhận diện thế nào về điều kiện kinh doanh?

TS. Nguyễn Am Hiểu (*)

Bản chất của thị trường là phải tự do kinh doanh. Ảnh: Minh Khuê

(TBKTSG) – Nghiên cứu và quan sát của tôi cho thấy, không có hoạt động kinh doanh nào là không có điều kiện. Tuy nhiên, mỗi loại hoạt động cần những điều kiện khác nhau. Vấn đề quan trọng của pháp luật là phân biệt loại điều kiện nào không cần một thủ tục xác nhận và loại điều kiện nào cần một thủ tục xác nhận.

Thủ tục xác nhận ấy gọi là gì? Giấy phép hay chứng chỉ? Ai là người xác nhận? Nhà nước hay tổ chức nghề nghiệp?

Đối với các loại hàng hóa hay hoạt động cấm kinh doanh, tôi luôn tự hỏi: có thật sự là sẽ cấm hoàn toàn hay không? Không hoàn toàn cấm! Ví dụ chuyện cấm kinh doanh thuốc phiện. Thuốc phiện là chất gây nghiện, tuy nhiên nó lại không thể thiếu được đối với một số việc nhất định, trong y tế chẳng hạn. Vì vậy người ta vẫn phải mua bán nó. Vậy khái niệm cấm kinh doanh có đúng với bản chất thật sự của sự việc không. Tương tự như vậy đối với cấm buôn bán vũ khí, chất nổ…

Vậy nhận diện thế nào về điều kiện kinh doanh? Bản chất của thị trường là phải tự do kinh doanh. Tuy nhiên quyền tự do nào của một người cũng luôn bị hạn chế bởi quyền tự do của người khác và vì vậy, trong những điều kiện nhất định, quyền tự do bị giám sát bởi quyền lực nhà nước. Do đó, khái niệm điều kiện kinh doanh đang được bàn là khái niệm “bị đánh tráo”. Cái mà chúng ta đang bàn thật ra là Nhà nước can thiệp vào các hoạt động kinh doanh như thế nào là hợp lý trong phát triển kinh tế thị trường. Nhận diện của tôi là nhu cầu và cách can thiệp đối với từng loại hoạt động dựa trên đặc thù của hoạt động ấy.

Nhóm thứ nhất cần giám sát trực tiếp bởi một cơ quan chuyên môn (Regulatory) do đặc thù kinh doanh có thể gây ra rủi ro hệ thống và rủi ro cho tất cả công chúng.

Khái niệm điều kiện kinh doanh đang được bàn là khái niệm “bị đánh tráo”. Cái mà chúng ta đang bàn thật ra là Nhà nước can thiệp vào các hoạt động kinh doanh như thế nào là hợp lý trong phát triển kinh tế thị trường.

Đầu tiên phải kể đến kinh doanh ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán và các quỹ tài chính. Đây là các hoạt động tạo ra các quỹ tiền tệ tập trung và tất cả công chúng không phân biệt có phải là thương gia hay không đều có thể tham gia. Lĩnh vực kinh doanh này luôn có nguy cơ gây rủi ro hệ thống.

Tiếp theo là các hoạt động kinh doanh có nguồn nguy hiểm cao như năng lượng nguyên tử, liên quan đến an ninh năng lượng, quy hoạch tổng thể và độc quyền về bản chất như điện lực… Cũng có thể còn có các lĩnh vực khác…

Đối với lĩnh vực kinh doanh cần giám sát kiểu Regulatory thì biện pháp kiểm soát là gì? Nó thường bao gồm: (i) cấp phép; (ii) các nghiệp vụ phải thực hiện theo các chuẩn mực pháp luật định sẵn. Ví dụ: kinh doanh truyền tải điện không được từ chối đấu nối với các nhà máy phát điện, thiết bị đấu nối phải có chung (tương đồng) tiêu chuẩn…; (iii) chịu sự giám sát trực tiếp của một cơ quan nhà nước độc lập “Regulatory”. Thí dụ Cục Điều tiết điện lực, Cục Giám sát Bảo hiểm, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước…

Nhóm thứ hai là giám sát hành nghề bằng một thủ tục cấp giấy hành nghề và giám sát đạo đức nghề nghiệp. Thường đây là những người hành nghề tự do. Ví dụ như luật sư, bác sĩ, kế toán viên, kiểm toán viên, kiểm toán môi trường…

Việc giám sát hoạt động của những người hành nghề tự do thường không do Nhà nước đảm nhiệm mà do chính các tổ chức nghề nghiệp đó thực hiện. Việc giám sát chủ yếu liên quan đến đạo đức nghề nghiệp, thông qua: (i) phải thực hành tại một tổ chức nghề nghiệp trong một thời hạn luật định để được cấp giấy hành nghề; (ii) phải là thành viên của một tổ chức nghề nghiệp của mình; (iii) phải tham gia các khóa đào tạo nâng cao do tổ chức nghề nghiệp tổ chức.

Nhóm thứ ba liên quan đến hoạt động có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng. Nhóm này không chỉ liên quan đến hoạt động kinh doanh mà cả các hoạt động khác. Ví dụ phải kể đến là thuốc chữa bệnh, nhà hàng ăn uống, bếp ăn cơ quan, nhà máy… Đối với các hoạt động này, việc giám sát vô cùng phức tạp vì tính chất hoạt động và không có cơ quan giám sát kiểu Regulatory. Thông thường việc giám sát tập trung vào: (i) cấp phép và (ii) kiểm tra mẫu.

Nhóm thứ tư liên quan đến những người hành nghề có nguồn nguy hiểm cao cho con người như lái xe khách, lái tàu hỏa, tàu thủy, máy bay… Cách giám sát ở đây chủ yếu là: (i) cấp giấy phép (thường do tổ chức nghề nghiệp thực hiện); (ii) kiểm tra sức khỏe thường xuyên.

Cũng có thể khái quát thêm các nhóm khác hay chia nhỏ các nhóm đã trình bày trên đây.

Vấn đề cần đặt ra hiện nay là có nên luật hóa hay nghị định hóa các thông tư (đang quy định về điều kiện kinh doanh) theo tinh thần yêu cầu của Luật Đầu tư năm 2014 hay không, có ban hành chúng (trên cơ sở ) các dự thảo còn có quá nhiều vấn đề hay không?

Nâng cao tính pháp lý của các văn bản cấp thấp là một quy luật. Tuy nhiên, nếu đưa vấn đề thành nguyên tắc để áp dụng đối với tất cả thì vô cùng nguy hiểm.

Việt Nam là một quốc gia đang chuyển đổi, nhiều vấn đề các cơ quan của Chính phủ phải xử lý tình huống, vì vậy không nên luật hóa những vấn đề xử lý tình huống, nhất là những vấn đề có nhiều quan điểm trái chiều.

Luật hóa là đem cách xử lý một tình huống cụ thể không thể làm khác áp dụng cho những trường hợp thông thường, như vậy sẽ không bao giờ đúng. Sẽ càng nguy hiểm hơn nếu việc xử lý tình huống cụ thể ấy chưa là giải pháp tốt nhất.

(*) Trọng tài viên VIAC

Mời xem thêm

Không trái luật thì cũng vi hiến

“Rà soát, cắt giảm điều kiện kinh doanh là cơ hội chưa từng có”

[ad_2]

— Đăng bởi HH —