Thách thức và giải pháp cho phát triển nông nghiệp

[ad_1]

Thách thức và giải pháp cho phát triển nông nghiệp

Trung Chánh ghi

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan trình bày tại Diễn đàn Mekong Connect với chủ đề “Tìm cơ trong nguy” được tổ chức tại Cần Thơ hôm nay, 26-10. Ảnh: Trung Chánh.

(TBKTSG Online) – Kinh tế Việt Nam nói chung và ngành nông nghiệp nói riêng đã đang và sẽ đối diện với nhiều thách thức trong quá trình phát triển. Vậy thách thức ấy là gì và giải pháp ứng phó để phát triển ra sao?

TBKTSG Online lược ghi ý kiến của chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan về vấn đề này tại Diễn đàn Mekong Connect với chủ đề “Tìm cơ trong nguy” được tổ chức hôm nay 26-10, tại Cần Thơ.

Bốn vấn đề thời sự của nền kinh tế

Báo cáo Việt Nam 2035 do Chính phủ và Ngân hàng Thế giới (WB) tổ chức nghiên cứu thời gian qua cho thấy năng suất lao động Việt Nam thấp và có sự sụt giảm trong những năm qua; hệ thống đổi mới sáng tạo kém; đô thị hóa trong những năm qua nhanh nhưng chưa giúp cho tăng trưởng kinh tế; tăng trưởng của Việt Nam là tăng trưởng “xám”, chứ không phải tăng trưởng “xanh”… Đây cũng chính là những vấn đề đang thách thức rất lớn lên nền nông nghiệp Việt Nam.

Những vấn đề mang tính thời sự hơn của nền kinh tế chúng ta hiện nay là gì?

Trước hết, đó là vấn đề nợ công, nợ xấu và quản trị vĩ mô. Theo các chuyên gia kinh tế, hai khoản nợ lớn của Việt Nam là nợ công và nợ xấu và cả hai vẫn tiếp tục tăng lên với tốc độ ngày càng cao, trở thành thách thức thật sự của nền kinh tế. Từ đó, đặt ra vấn đề phải cải cách quản trị kinh tế vĩ mô, nếu không sẽ không giải quyết được bài toán lớn để ổn định kinh tế vĩ mô.

Vấn đề thời sự lớn thứ hai là nội lực của nền kinh tế còn yếu kém, trong khi sức ép cạnh tranh hội nhập đang tăng lên. Trong những năm vừa qua, Việt Nam đã có bước phát triển khá tốt, nhưng từ năm 20028 đến nay, tốc độ tăng trưởng đang giảm và xuất hiện khó khăn rất lớn. Chẳng hạn, năm nay nền kinh tế phải đối phó thêm với thách thức về thảm họa môi trường, biến đổi khí hậu hay là những vấn đề “trồi sụt” giá cả sản phẩm, kể cả sản phẩm nông nghiệp.

Chỉ số năng lực cạnh tranh chưa được cải thiện nhiều, nhưng sức ép hội nhập lại đến mạnh mẽ hơn với việc Việt Nam hoàn tất một loạt các hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó, có hai FTA thế hệ mới là hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA).

Như vậy, cơ hội đến với Việt Nam rất là nhiều, nhưng thách thức cũng không kém, kể cả thách thức trên thị trường nội địa.

Vấn đề thứ ba là sự cố môi trường biển khu vực miền Trung cũng như biến đổi khí hậu như đã biết.

Vấn đề thứ tư là việc thích ứng trong kỹ nguyên mới với các ngành công nghệ mới. Công nghệ phát triển rất nhanh và nó sẽ tạo ra cơ hội cũng như thách thức rất lớn cho kinh tế Việt Nam. Các công nghệ mới làm thay đổi kinh tế toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Đó là sản xuất theo công nghệ in 3D; các ngành năng lượng có khả năng tái tạo; công nghệ thông tin và các dịch vụ xã hội di động giải tích đám mây; công nghệ sinh học; thương mại điện tử, các hệ thống thống sản xuất tiên tiến, tự động hóa…

Tất cả các ngành công nghệ này đang tác động rất mạnh vào các lĩnh vực khác nhau kể cả công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ. Nó vừa tạo thời cơ rất lớn, nhưng cũng tạo thách thức không kém, bởi vì công nghệ hiện nay thật sự quyết định khả năng hoặc là phát triển đột phá lên hoặc là tụt hậu xa hơn.

Thách thức hiện tại

Nông nghiệp đang gặp những vướng mắc gì?

Trước hết là tài nguyên đất và nước trở nên khan hiếm hơn. Trước đây, Việt Nam rất dồi dào về nước, thì hiện nay nước ngày càng cạn kiệt và trở thành câu chuyện thách thức không kém gì đất đai; thậm chí trong một số trường hợp thách thức còn lớn hơn. “Nó vừa do tác động của biến đổi khí hậu, thảm họa môi trường, nhưng cũng do cách thức khai thác tài nguyên nước của chúng ta không hợp lý, nên việc khai thác phải được xem lại, nếu không nó là mối lo lớn cho nông nghiệp Việt Nam”.

Ngoài dịch bệnh, thị trường của sản phẩm nông nghiệp biến động nhiều trong những năm gần đây cũng như những năm tới từ cả hai phía cung và cầu cũng là thách thức. Nguồn cung trên thế giới có sự hạn hẹp ở các nước do những vấn đề khó khăn về đất đai, thiên nhiên, nhân lực, nhưng có thể được bù vào một phần nhờ khoa học công nghệ, làm cho sản xuất nông nghiệp hiệu quả hơn, nguồn cung dồi dào hơn.

Nhưng, thách thức về cầu là một điều cần hết sức lưu ý và phải chuyển từ xuất khẩu nhiều, giá rẻ, dựa vào tự nhiên, sức lao động của con người cũng như đầu tư rất lớn về thủy lợi, vật tư nông nghiệp, sang xu hướng của thời đại mới là sản phẩm phải chất lượng, an toàn. “Nếu chúng ta không chuyển sang cạnh tranh bằng chất lượng, giá trị gia tăng cao, an toàn, dinh dưỡng cần thiết thì rất khó cạnh tranh trực tiếp về nông nghiệp, dù có nhiều sản phẩm”.

Đầu tư cho nông nghiệp thấp, dù một vài năm gần đây có một số doanh nghiệp mạnh dạn bỏ vốn đầu tư vào nông nghiệp, nhưng trên tổng thể của nền kinh tế, thì Nhà nước đầu tư vào nông nghiệp vẫn thấp hơn số vốn đáng lẽ phải bỏ vào lĩnh vực này, ít nhất 10%/tổng giá trị sản lượng nông nghiệp (hiện nay đầu tư đạt 6-7%) mà khi tham gia WTO Việt Nam được phép làm điều này. “Đó là điều không hợp lý và chúng ta phải làm lại trong thời gian tới, đặc biệt khi có nhu cầu đầu tư vào công nghệ cao”.

Không chỉ yếu về khoa học công nghệ, cơ sở hạ tầng, chính sách kinh tế vĩ mô cũng chưa đáp ứng và thể hiện ở rất nhiều mặt.

Liên kết giữa các ngành hay trong nội bộ ngành nông nghiệp cũng rất kém và cần phải thúc đẩy hơn rất nhiều. Công nghiệp dịch vụ hỗ trợ cho nông nghiệp yếu và điều này thể hiện khá rõ ở sự gắn kết giữa các ngành công nghiệp, dịch vụ và phục vụ lại cho nông nghiệp cũng còn hạn chế, chưa khai thác hết nông nghiệp như một nguồn cung đầu vào rất lớn cho ngành công nghiệp.

Nhân lực ít được đào tạo, năng suất thấp cũng là “căn bệnh” chung cho ngành nông nghiệp Việt Nam và điều này cũng không còn xa lạ.

Thách thức mới

Dân số làm trong nông nghiệp bị lão hóa và khó giữ tài năng trẻ làm trong nông nghiệp là những thách thức khác. Theo Tổng cục Dân số, từ năm 2013, Việt Nam chính thức bước vào thời kỳ lão hóa dân số và hiện vẫn đang là thời kỳ tồn tại song song của lão hóa dân số và dân số vàng, nhưng dân số vàng chỉ kéo dài đến năm 2030 sẽ kết thúc và sau đó mức độ lão hóa tiếp tục tăng lên.

Trong vấn nạn này, nông nghiệp chịu tác động nặng nề hơn bởi nông nghiệp phải chịu cạnh tranh của đô thị, của các ngành công nghiệp và dịch vụ trong thu hút tài năng quản trị cũng như các nguồn nhân lực chất lượng cao. Giữ được nhân lực làm trong nông nghiệp là thách thức, nhất là trong bối cảnh nông nghiệp buộc phải chuyển đổi sang cách làm mới hơn và mạnh mẽ hơn cũng như trước thảm họa môi trường do con người và do biến đổi khí hậu tạo ra.

Cạnh tranh trong và ngoài nước tăng lên mạnh mẽ, chủ yếu về sức khỏe và an toàn thực phẩm và điều này đã được kiểm chứng.

Vai trò của Nhà nước trong quan hệ giữa Nhà nước, thị trường và xã hội cần phải sắp xếp lại. Trong nông nghiệp cũng vậy, muốn phát triển phải sắp xếp lại quan hệ này, trong đó, Nhà nước có thể tham gia trực tiếp ít hơn trong đầu tư kinh doanh nông nghiệp để nhường chỗ cho doanh nghiệp, nông dân làm nhiều hơn.

Vấn đề tranh chấp tài nguyên nước và vùng biển cũng là vấn nạn lớn của Việt Nam. “Chúng ta rất đau đầu khi con sông Mekong được các nước phía trên thượng nguồn khai thác triệt để và hoàn toàn quên chúng ta phía dưới. Trong khi đó, tranh chấp tài nguyên biển ở biển Đông ảnh hướng lớn đến ngành thủy sản và phát triển thủy sản Việt Nam”.

Và cuối cùng là tác động từ phía công nghệ. Nó có tác động rất tích cực, nhưng đồng thời cũng tạo ra thách thức cho Việt Nam, nhất là về mặt quy chuẩn sản phẩm cũng như công ăn việc làm giảm đi trong quá trình thay đổi công nghệ, tự động hóa cao…

Giải pháp cho phát triển nông nghiệp là gì?

Phương châm tổng thể của Báo cáo 2035 là hiện đại hóa và thương mại hóa nông nghiệp và phương châm cụ thể là nông nghiệp phải sử dụng hiệu quả các nguồn lực, có năng suất cao hơn để gặt hái được thành công nhiều hơn, có giá trị gia tăng cao.

Phải chuyển sang thực hành sản xuất nông nghiệp tri thức, có hiệu quả kinh tế theo quy mô và theo chuỗi giá trị, cách thức sản xuất nông nghiệp phải thay đổi rất lớn.

Phải đổi mới mạnh mẽ vai trò của Nhà nước trong các quy định cũng như trên thực tế theo phương châm “tăng kiến tạo, giảm chỉ đạo”. “Chúng ta phải thay đổi trên thực tế, bởi vì có rất nhiều văn bản đưa ra, nhưng trên thực tế không đi vào cuộc sống được, không tạo được sự thay đổi cần thiết”.

Muốn đổi mới nông nghiệp cần phải cải cách sâu rộng trong toàn bộ nền kinh tế, bởi trong nội bộ ngành không đủ giải quyết được vấn đề, đặc biệt vấn đề đất đai.

Vai trò và điều kiện hoạt động của các doanh nghiệp, các ngân hàng cũng rất cần Nhà nước tạo ra môi trường kinh doanh tốt hơn để khuyến khích doanh nghiệp tham gia cũng như giúp nông dân chủ động hơn trong sản xuất.

Vấn đề phân cấp và phối hợp của chính quyền các cấp cũng cần thay đổi. “Ở chúng ta có căn bệnh bộ máy chính quyền đông, rộng lớn, nhưng thiếu sự phối hợp giữa các cơ quan với nhau và ngay sự phân cấp nhiều khi cũng bất cập, không hợp lý”.

[ad_2]

— Đăng bởi HH —