Chậm thì phải chịu phạt

[ad_1]

Chậm thì phải chịu phạt

Thời báo Kinh tế Sài Gòn

Tình trạng chậm trễ trong việc ban hành các nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành luật đã ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của doanh nghiệp, giảm tác dụng của các luật và làm chậm dòng chảy của nền kinh tế. Ảnh minh họa

(TBKTSG) – Một báo cáo cách đây 10 năm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết hơn một nửa các hướng dẫn thi hành luật chỉ được ban hành sau ngày các văn bản này có hiệu lực từ bảy tháng đến ba năm. Có hướng dẫn thi hành “vắt ngang” hai nhiệm kỳ Quốc hội. Thậm chí, có luật tồn tại mà 10 năm sau ngày hiệu lực vẫn chưa đủ hướng dẫn thi hành cho đến khi luật này được thay thế bằng một luật mới.

Không rõ hiện nay có thống kê nào cho thấy sự cải thiện trong việc ban hành hướng dẫn thi hành hay chưa nhưng dưới góc độ kinh tế, tình trạng chậm trễ nói trên đã ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của doanh nghiệp, giảm tác dụng của các luật và làm chậm dòng chảy của nền kinh tế. Đơn cử năm ngoái hai luật được kỳ vọng rất nhiều – Luật Đầu tư sửa đổi 2014 và Luật Doanh nghiệp sửa đổi 2014 – đều có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7. Thế nhưng, cả hai bị “tắc” ngay từ ngày đầu tiên vì thiếu hướng dẫn. Mãi đến ngày 12-11, nghĩa là gần bốn tháng rưỡi sau ngày luật có hiệu lực, hướng dẫn chi tiết thi hành Luật Đầu tư mới được ban hành. Tình trạng của Luật Doanh nghiệp cũng không khá hơn là bao. Và đây chỉ là hai luật rõ ràng mang tính cấp thiết đối với toàn xã hội, huống hồ gì những luật khác.

Hơn ai hết, với tư cách các nhà lập pháp, Quốc hội phải cảm thấy bức xúc trước vấn đề này, không thể để một vấn nạn tồn tại bao lâu nay kéo dài hơn nữa. Theo một nghĩa tích cực, các đại biểu Quốc hội khóa mới đã có một công cụ trong tầm tay nhằm buộc cơ quan có trách nhiệm ban hành văn bản hướng dẫn kịp thời theo luật định. Đó là Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015 (BHVBQPPL) có hiệu lực từ ngày 1-7-2016.

Như báo chí đưa tin, trong một cuộc họp gần đây, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đã đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép công khai danh tánh các bộ trưởng không bảo đảm đúng tiến độ và chất lượng việc xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật trình Quốc hội từ cuộc họp thứ hai của Quốc hội khóa 14 vào tháng 10.

Còn nhớ năm ngoái ông Nguyễn Hồng Tuyến, Vụ trưởng Vụ các vấn đề chung về xây dựng pháp luật, Bộ Tư pháp, cho biết Luật BHVBQPPL 2015 đã khắc phục thiếu sót của luật cùng tên năm 20028 về thời gian ban hành hướng dẫn thi hành. Theo ông Tuyến, điều 11 của Luật BHVBQPPL 2015 quy định cơ quan soạn thảo khi trình một dự luật với Quốc hội phải kèm theo chi tiết thi hành luật đó. Nghĩa là nếu quy định này được thực thi triệt để, tình trạng luật chờ hướng dẫn thi hành sẽ chấm dứt.

Vậy thì đã rõ, Quốc hội có toàn quyền nêu đích danh các bộ trưởng chịu trách nhiệm soạn thảo chậm lụt và buộc các vị này phải giải trình sự chậm trễ của mình vì sự trễ nải đó làm ảnh hưởng không tốt đến sự vận hành của nền kinh tế và xã hội. Chỉ cách đây chưa đầy một tháng, chính đại biểu Quốc hội khóa mới đã bỏ phiếu phê chuẩn các bộ trưởng đương nhiệm, thì không có lẽ gì nay Quốc hội lại nương tay khi thực thi quyền hạn của mình, đặc biệt trong bối cảnh luật mới đã quy định rõ.

Thực ra, việc nêu tên các trưởng ngành chậm trễ chỉ là một bước khởi đầu trên con đường còn rất dài nhằm khắc phục tình trạng luật chờ hướng dẫn thi hành. Nhưng nếu không khởi đầu thì bao giờ mới đến đích?

[ad_2]

— Đăng bởi HH —