Khi dự án tư có sự hỗ trợ của quyền lực

[ad_1]

Khi dự án tư có sự hỗ trợ của quyền lực

Mỹ Lệ

Luật sư Nguyễn Tiến Lập.

LTS: Trong 10 năm trở lại đây, cùng với xu hướng dịch chuyển dòng vốn đầu tư từ khu vực nhà nước sang khu vực tư nhân, nổi lên hiện tượng các dự án tư nhân có sự “hỗ trợ” của quyền lực. TBKTSG trao đổi với luật sư Nguyễn Tiến Lập(*) về xu hướng này, các nguy cơ và biện pháp hóa giải để con đường phát triển nền kinh tế và đất nước được hanh thông.

TBKTSG: Ông nhận xét gì về sự dịch chuyển tỷ lệ dòng vốn đầu tư trong tổng vốn đầu tư của xã hội, giữa khu vực nhà nước và khu vực tư nhân, trong 10 năm trở lại đây?

– Luật sư Nguyễn Tiến Lập: Trước hết, vì không phải là một nhà kinh tế, nên tôi không thể đưa ra các phân tích chuyên sâu đi kèm với các dữ liệu hay thông số kỹ thuật. Tuy nhiên, là một nhà nghiên cứu về thể chế và pháp luật, tôi có thể khẳng định rằng việc chuyển dịch từ chỗ coi đầu tư nhà nước là chủ đạo, nay thay thế vị trí ấy bằng đầu tư tư nhân là một khuynh hướng tích cực.

Lý do là nó góp phần định vị và cấu tạo lại vai trò và chức năng của Nhà nước trong nền kinh tế. Thay vì kinh doanh trực tiếp, Nhà nước dần dần trở lại vị trí đúng đắn của mình là người lập chính sách, thực thi pháp luật và làm trọng tài của các cuộc chơi trên thương trường. Các tập đoàn kinh tế nhà nước không hoặc sẽ không còn là đối thủ cạnh tranh không ngang sức và thiếu công bằng với các doanh nghiệp tư nhân, và điều đó đương nhiên góp phần làm lành mạnh hóa nền kinh tế thị trường mà chúng ta đang rất chật vật để gầy dựng.

Tuy nhiên, điều tôi quan ngại là trên nền tảng của sự dịch chuyển dòng vốn đầu tư qua những con số thực tế ấy, đã thực sự hình thành một tâm lý chính trị mới hay chưa? Bởi nếu như việc tăng huy động vốn tư nhân thay cho vốn nhà nước chỉ là một động thái nhất thời của tình thế bế tắc về ngân sách mà không phải là biểu hiện của một tư duy và ý chí mới theo hướng cải cách thể chế thì cuối cùng, các đích như xã hội trông đợi sẽ vẫn không thể đi tới được.

Nói cách khác, liệu rằng cả sự ham muốn duy trì các quyền lực trực tiếp lẫn nỗi lo sợ bị mất nó thông qua sự can thiệp bằng đầu tư để kiểm soát nền kinh tế đã thực sự được vượt qua hay chưa, ở các cấp chính quyền? E rằng câu hỏi này vẫn còn phải cần thêm thời gian mới trả lời được.

TBKTSG: Một vấn đề được đặt ra hiện nay, nhìn vào thực tế huy động vốn từ các dự án PPP (các chủ đầu tư chỉ có vốn tự có chừng 15%, còn lại chủ yếu là vốn vay ngân hàng), đó là xác định thế nào là vốn đầu tư tư nhân, và tiếp theo đó là các dự án đầu tư tư nhân được quản trị thế nào?

– Đây là một khía cạnh khác không kém phần quan trọng mà theo tôi, cần phải có sự minh định rất rõ ràng và sòng phẳng. Bản thân nền kinh tế không bao giờ phân biệt giữa nguồn vốn này hay nguồn vốn kia, miễn là bảo đảm tính hiệu quả đầu tư. Tuy nhiên, theo lẽ tự nhiên, tính chịu trách nhiệm trong sử dụng vốn tư nhân thường cao hơn bởi nhu cầu bảo vệ sở hữu tư nhân. Tuy nhiên, chủ sở hữu tư nhân sẽ chỉ quan tâm nhiều đến yếu tố bảo vệ nếu đó là sở hữu của chính anh ta, chứ không phải trong tình huống anh ta chỉ góp một phần nhỏ hay thậm chí đầu tư, kinh doanh theo kiểu “tay không bắt giặc”.

Cải cách chính trị một cách đích thực chính là làm cho các quan hệ quyền lực được tổ chức một cách lành mạnh nhất, không bị mất mát đến nỗi trở thành “chân không” và cũng không bị hỗn loạn để tạo cơ hội cho các phe nhóm bất chính trục lợi.

Nói cách khác, đó sẽ chỉ là đầu tư tư nhân trên danh nghĩa, trong khi nguồn vốn thật sự lại đến từ các ngân hàng, hay thương quyền do nhà nước cấp thông qua các kênh trục lợi chính sách.

Thực tế này đã được dư luận xã hội cảnh báo, song vẫn còn một khía cạnh quan trọng hơn tôi thấy cần quan tâm. Đó chính là sự sáng tạo về công nghệ, khả năng nắm bắt thị trường nhanh nhạy và quản trị hiệu quả thường là yếu tố được trông đợi của khu vực tư nhân. Nếu các yếu tố này không đạt được để làm thay đổi năng lực và chất lượng của nền kinh tế, mà thay vào đó chỉ là những con số thống kê về tỷ trọng vốn đầu tư đơn thuần, tôi e rằng sự dịch chuyển như đã nói ở trên cuối cùng sẽ chỉ là một sự biến tướng mà thôi.

TBKTSG: Bên cạnh các số liệu thống kê, xu hướng dịch chuyển dòng vốn đầu tư được minh họa rõ nét qua sự xuất hiện và tham gia của một số tập đoàn/doanh nghiệp tư nhân vào các công trình/dự án lớn, chủ yếu là khai thác tài nguyên (đất đai – bất động sản) và thương quyền đối với cơ sở hạ tầng (chủ yếu trong lĩnh vực giao thông đường bộ) do mình đầu tư. Ông nhìn như thế nào về sự “lớn mạnh” này, về cơ chế tạo nên sự lớn mạnh ấy?

– Bản thân tôi không có thành kiến nào với các doanh nghiệp tư nhân bỗng trở nên lớn mạnh và đồ sộ thông qua khai thác tài nguyên, tận dụng cơ hội hội tiếp cận đất đai, các vị thế độc quyền tự nhiên hay các nguồn tín dụng chính sách. Vấn đề ở chỗ là, nếu coi các yếu tố đó là nguồn lực đầu vào của quá trình kinh doanh thì nguồn lực đó có được phân bổ công bằng và minh bạch hay không. Bởi về sở hữu, hoặc nó thuộc sở hữu công trực tiếp, hoặc nó là các lợi thế tự nhiên của quốc gia hay thị trường thì tất cả mọi người đều phải được hưởng. Và đương nhiên, để bảo đảm sự phân bổ hợp lý và công bằng các nguồn lực ấy thì việc thực thi quyền lực nhà nước một cách minh bạch là yêu cầu không thể thiếu.

Nhìn nhận như vậy nhưng tôi vẫn cho rằng một nền kinh tế có chất lượng và hiệu quả không bao giờ có thể dựa trên khai thác và kinh doanh tài nguyên thiên nhiên và đất đai được. Trong điều kiện cụ thể của Việt Nam, sự lớn mạnh của nền kinh tế cũng không thể đến từ kinh doanh tài chính và dịch vụ tài chính. Trên tất cả, chúng ta phải xây dựng một nền kinh tế đi từ sản xuất hàng hóa cùng với cung ứng dịch vụ, đặc biệt là các dịch vụ thiết yếu cho nền kinh tế và đời sống dân sinh. Sản xuất đòi hỏi công nghệ còn dịch vụ đòi hỏi kỹ năng. Rất tiếc là sau bao nhiêu năm đổi mới và phát triển, các doanh nghiệp của nước ta về cơ bản vẫn thiếu cả hai yếu tố này.

TBKTSG: Nếu như ở giai đoạn trước, sự tập trung nguồn lực xã hội quá lớn cho các tập đoàn kinh tế/doanh nghiệp nhà nước tạo ra sự cạnh tranh bất bình đẳng giữa khu vực nhà nước và tư nhân thì nay, với các dự án tư nhân có sự “hỗ trợ” của quyền lực, theo ông, liệu có phải chúng chính là biểu hiện rõ nhất của “lợi ích nhóm” mà nhiều lãnh đạo đã lên tiếng cảnh báo từ lâu ?

– Chúng ta có khuynh hướng luôn luôn phê phán các hiện tượng “lợi ích nhóm” nhưng không biết rằng nó vốn tồn tại rất tự nhiên và không thể tránh được. Dù ở đâu cũng vậy, lợi ích nhóm đến từ hai phía: các nhà chính trị muốn đạt được các lợi ích kinh tế để tạo cả thế và lực cho mình hoặc để chuẩn bị cho giai đoạn “hạ cánh”, cho nên họ sẽ sẵn sàng liên kết với các nhà kinh doanh. Ngược lại, các nhà kinh doanh, vốn khôn ngoan và bị thúc đẩy bởi động cơ lợi nhuận nên không chỉ sẵn sàng mà còn luôn luôn chủ động tìm cách móc nối với các nhà chính trị.

Ai cũng biết điều này cả thì cần gì phải cảnh báo nữa?! Vấn đề là suốt bao năm qua, chúng ta biết mà cứ để vậy và không làm gì để phòng ngừa hay ngăn chặn, hoặc nếu có làm gì đó thì cũng chỉ mang tính hình thức mà thôi.

Điểm mấu chốt, theo tôi là chúng ta đi khập khiễng trong khi đổi mới, chỉ đổi mới về kinh tế mà không cải cách về thể chế và chính trị. Trong khía cạnh này, rất tiếc cũng có nhiều nhầm lẫn, ngộ nhận hay thành kiến. Chính trị không phải chỉ là nắm giữ quyền lực, mà quan trọng hơn nó là cách thức tổ chức các quan hệ quyền lực sao cho quyền lực, vốn như một nguồn năng lượng và tài nguyên của quốc gia, được phân bổ, sử dụng và điều phối một cách hợp lý nhất cho các mục tiêu chính đáng, đó là công bằng, dân chủ, phát triển và văn minh. Cải cách chính trị một cách đích thực chính là làm cho các quan hệ quyền lực được tổ chức một cách lành mạnh nhất, không bị mất mát đến nỗi trở thành “chân không” và cũng không bị hỗn loạn để tạo cơ hội cho các phe nhóm bất chính trục lợi. Về vấn đề “lợi ích nhóm”, nếu có cơ chế để nó tác động một cách công khai, minh bạch và chuyên nghiệp thì theo tôi hoàn toàn không đáng ngại.

(*) Luật sư, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC)

Đọc thêm:

– Vốn tư thay vốn công – vẫn vỏ dưa và vỏ dừa

– Chủ nghĩa thân hữu đằng sau hợp đồng PPP

[ad_2]

— Đăng bởi HH —