Ông Lê Hoàng, Phó chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam: “Làm xuất bản có thể vào tù dễ như chơi!?”

[ad_1]

Ông Lê Hoàng, Phó chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam: “Làm xuất bản có thể vào tù dễ như chơi!?”

Nguyễn Vinh thực hiện

(TBKTSG) – Vì phát hiện có nhiều sai sót nên Bộ luật Hình sự 2015 đang hoãn thời gian thi hành để lấy ý kiến đóng góp, điều chỉnh. Ngày 21-7-2016, giới làm xuất bản (bao gồm doanh nghiệp tư nhân liên kết xuất bản, các nhà xuất bản, chuyên gia, quản lý lĩnh vực xuất bản), cũng đã có một cuộc tọa đàm do Văn phòng phía Nam của Hội Xuất bản tổ chức tại TPHCM; đưa ra nhiều ý kiến phản đối các điều khoản liên quan đến hoạt động xuất bản, in và phát hành trong Bộ luật Hình sự 2015.

Trong đó, điều 344 trong bộ luật này được người chủ trì tọa đàm, ông Lê Hoàng – Phó chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam, Trưởng văn phòng phía Nam của Hội Xuất bản, nói trong lời dẫn: “Mang tính hình sự, không còn là vấn đề xử lý hành chính, nó gắn chặt và gây ra áp lực rất nặng nề đến sinh mạng chính trị của đội ngũ làm nghề, dễ dàng đưa người ta vào vòng lao lý”. Phóng viên TBKTSG có cuộc trao đổi với ông Lê Hoàng để giúp độc giả hiểu sâu hơn về vấn đề này.

TBKTSG: Thưa ông, nếu như Bộ luật Hình sự 2015 được áp dụng thì sẽ tạo ra hệ lụy nào cho ngành xuất bản tại Việt Nam?

Ông LÊ HOÀNG: Theo tôi, nếu Bộ luật Hình sự 2015 như hiện nay được thực thi sẽ xảy ra ba hệ lụy. Trước hết, đối với những người làm nghề, cụ thể là biên tập viên, trưởng ban biên tập, giám đốc các nhà xuất bản đến các công ty phát hành và các đơn vị in – tức những đơn vị và cá nhân bị điều chỉnh trong bộ luật này – sẽ rơi vào tâm trạng lo âu, e ngại, thậm chí sợ hãi trong quá trình tác nghiệp. Bởi vì đã làm nghề, không thể nào không có sơ suất trong nghiệp vụ, thậm chí có những sai sót khuyết điểm không cố ý nhưng có thể dẫn đến những nội dung nghiêm trọng. Ví dụ, điều 326: vật phẩm có nội dung bị coi là “khiêu dâm, đồi trụy” thì khi đi vào thực tế, việc xác định nội hàm của “khiêu dâm, đồi trụy” là một việc rất khó.

Chưa kể, điều 344 dễ dàng đưa người làm xuất bản vào vòng lao lý, khiến những người làm nghề cảm thấy bất an, lo sợ có thể bị đi tù bất cứ lúc nào trong quá trình hành nghề.

Điểm tiếp theo, đi vào thực tế áp dụng luật, các cơ quan chức năng quản lý, thừa hành sẽ rất khó khăn bởi câu chữ thì đa nghĩa, như tôi đã nói: như thế nào thì gọi là đồi trụy, khiêu dâm… một khi không xác định được thì không minh định tội danh rõ ràng. Chưa kể, sự mông lung mơ hồ sẽ đưa đến việc người ta có thể lạm quyền để thêm bớt tội danh người khác, sự tiêu cực, ban phát sẽ phát sinh.

Điều thứ ba, đất nước chúng ta đang hội nhập, dân chủ hóa, đang mở cửa tiếp cận những tiến bộ, văn minh của xã hội loài người, thế thì hiểu sao đây khi trong một nền xuất bản văn minh mà lại có chuyện những người làm xuất bản ai cũng có thể dễ dàng vào tù?!

TBKTSG: Thưa ông, những người có liên đới, hay còn gọi là đối tượng được điều chỉnh trong Bộ luật Hình sự 2015, cụ thể là các nhà xuất bản nhà nước, nơi cấp phép ấn hành sách phản ứng là chuyện hiển nhiên. Nhưng từ cuộc tọa đàm nói trên và theo dõi trên mạng xã hội, nhận thấy giám đốc điều hành những công ty sách tư nhân cũng bày tỏ bức xúc với bộ luật, đặc biệt điều 344. Ông lý giải sao về điều này?

– Theo tôi, họ vẫn có liên quan trách nhiệm với nhà xuất bản trong quá trình liên kết xuất bản, tổ chức, ấn hành sách. Nếu bộ luật trên ban hành, thì những hệ lụy của nó sẽ ảnh hưởng xấu đến đời sống xuất bản nói chung, việc liên kết kinh doanh sách sẽ khó khăn, khó góp phần phát triển ngành xuất bản và dĩ nhiên họ là những người bị mất lợi ích kinh tế chính đáng. Mặt khác, trong tư cách công dân có quan tâm đến đời sống xuất bản, thấy những điều luật quá đáng, áp đặt ở mức không cần thiết, uy hiếp sinh mệnh chính trị của người khác, họ phản ứng, đưa ra quan điểm riêng là điều cần thiết, dễ hiểu.

TBKTSG: Có người nói rằng, riêng trong lĩnh vực xuất bản, chuyện đấu tranh để thay đổi những quy định phi lý can thiệp vào chuyên môn đôi khi chẳng khác nào nước đổ lá môn. Ông nghĩ gì về điều này?

– Tôi lại không nghĩ vậy. Bởi những điều mình đang phản biện có lý lẽ, có tính thuyết phục cao. Vậy nên quan tâm của tôi, của Hội Xuất bản và những người tham gia phản biện đó là tiếp tục với một ý chí mạnh mẽ, với một quy trình chặt chẽ, đồng bộ và phù hợp với quy định của pháp luật. Sau cuộc tọa đàm vừa qua, lãnh đạo Hội Xuất bản sẽ có văn bản kiến nghị gửi đến các cơ quan chức năng: Bộ Tư pháp, Bộ Thông tin và Truyền thông, VCCI (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam) và các đại biểu Quốc hội. Tôi tin sẽ có việc điều chỉnh cần thiết. Điều này không phải thành công một ngày một bữa mà cần sự cố gắng, kiên trì, xác tín của những người quan tâm tham gia.

Muốn có một ngành xuất bản xứng với tiềm năng 90 triệu dân thì không nên hình sự hóa hoạt động xuất bản.Ảnh: Nguyễn Vinh

Bà Minh Phương – Phó phòng phụ trách xuất bản Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM:

Không ai dám tham gia xuất bản!

– Tôi thấy nâng lên tới tầm hình sự thì quá lớn và căng thẳng, giết chết ngành xuất bản và không ai dám tham gia vào xuất bản. Đề nghị Luật Hình sự cần chỉ rõ gây hậu quả nghiêm trọng như thế nào thì mới bị phạt tù!

Dương Thanh Hoài – Phó giám đốc Công ty Sách Nhã Nam:

Quá nguy hiểm!

– Việc bỏ đi một điều luật là rất khó vì người ta đã đưa vào rồi. Nhưng tôi nghĩ có một lựa chọn là thay đổi nội dung của các điều khoản này bằng cách đưa vào những điều mà chúng ta muốn điều chỉnh như là vi phạm quyền tác giả, in lậu, vi phạm bản quyền. Tôi nghĩ Nhà nước chỉ nên ra một danh sách cấm những điều không được làm như tuyên truyền chống phá Nhà nước, mất đoàn kết dân tộc, khích động thù hiềm giữa các quốc gia… thì các NXB có thể tuân thủ. Theo tôi, Nhà nước chỉ cần quan tâm đến danh sách cấm này và thuế. Ví dụ in 2.000 bản thì nộp thuế 2.000 bản. Còn đưa ra các thứ như thế này thì rất nhiêu khê, làm khó cho môi trường xuất bản.

Về việc chồng chéo điều khoản như khoản 1 điểm e điều 344, thì cũng đã có chế tài phạt bao nhiêu tiền, cải tạo không giam giữ… theo Nghị định 159/2013 của Luật Xuất bản. Có nghĩa là cùng một hành vi nhưng phạt theo hai luật? Anh muốn hai năm hay năm năm tôi đều có thể xử anh được. Như vậy quá nguy hiểm.

Ngoài ra, việc biên tập, là một quá trình nghiệp vụ, trả đi trả lại một quyển sách tới 20 lần cũng là điều rất bình thường. Hoặc lưu chiểu có thể là gom lại 3, 4 quyền nộp một lần cũng là việc bình thường. Tôi nghĩ người làm luật có thể không làm trong ngành này nên nhìn vấn đề trầm trọng, nguy hiểm, nhưng thật ra nó không phải như thế. Tác động của luật này khi đi vào áp dụng vô hình trung sẽ làm kìm hãm sự phát triển ngành xuất bản. Những điều luật như thế này quá khủng khiếp ai còn dám làm nghề xuất bản nữa. Luật này giống như một lưỡi dao treo lơ lửng có thể rơi bất kỳ lúc nào và không ai còn dám làm lĩnh vực xuất bản nữa. Nếu chúng ta muốn có một nền xuất bản xứng với tiềm năng 90 triệu dân thì tôi nghĩ chúng ta không nên hình sự hóa hoạt động xuất bản bằng những điều luật như vậy.

Bà Nguyễn Thị Xuân Hạnh – NXB Văn hóa Văn nghệ:

Đã có Luật Xuất bản

– Theo tôi hiểu, khi một hành vi vi phạm đã được điều chỉnh bởi một luật chuyên ngành nào trước đó thì phải tuân thủ theo quy định của luật đó. Ví dụ Luật Xuất bản quy định rất rõ các hành vi vi phạm trong hoạt động xuất bản và đã được điều chỉnh trong Luật Xuất bản thì phải tuân thủ theo Luật Xuất bản. Chỉ những hành vi nào có dấu hiệu vi phạm hình sự mà Luật Xuất bản chưa điều chỉnh được thì mới áp dụng Luật Hình sự, ví dụ như những vi phạm trong điều 10 của Luật Xuất bản, in lậu, phát hành sách cấm…

Đọc thêm:

– Hình sự hóa hoạt động xuất bản là hạn chế quyền dân sự

[ad_2]

— Đăng bởi HH —