Chữ “doanh nghiệp” ở nước ngoài khác nước ta lắm

[ad_1]

Chữ “doanh nghiệp” ở nước ngoài khác nước ta lắm

Nguyễn Vạn Phú

Theo cách hiểu ở nước ngoài, một gia đình nông dân đã có thể là một “doanh nghiệp” dù không có nhân viên được trả lương. Ảnh Internet

(TBKTSG Online) – Nhiều người tò mò muốn biết số lượng doanh nghiệp so với dân số, hay nói cách khác ở các nước bao nhiêu người dân thì có một doanh nghiệp. Kết quả có thể làm chúng ta ngạc nhiên nhưng khái niệm “doanh nghiệp” của họ có thể làm nhiều người ngạc nhiên hơn.

Số liệu chính thức của Anh cho biết vào thời điểm đầu năm 2015, nước Anh có 5,4 triệu doanh nghiệp tư nhân và mỗi năm tăng chừng 150.000 doanh nghiệp. Dân số nước Anh chừng 65 triệu người – như vậy cứ khoảng 12 người dân thì có 1 doanh nghiệp.

Cũng số liệu chính thức ở Mỹ cho thấy vào năm 2012, nước Mỹ có 28,7 triệu doanh nghiệp tư nhân so với dân số chừng 315 triệu người. Như vậy tỷ lệ số doanh nghiệp so với dân số là vào khoảng 11.

Tuy nhiên, nhìn kỹ lại các con số thống kê của hai nước này, chúng ta sẽ thấy họ phân doanh nghiệp làm thành hai loại hình: doanh nghiệp có tuyển dụng (Anh dùng employing businesses; Mỹ dùng employer businesses) và doanh nghiệp không tuyển dụng (Anh dùng non-employing businesses; Mỹ dùng nonemployer businesses).

Ở Anh trong tổng số 5,4 triệu doanh nghiệp nói trên, đến 4,1 triệu là loại hình doanh nghiệp không tuyển dụng ai khác ngoài chính chủ nó (76%). Ở Mỹ, trong tổng số 28,7 triệu doanh nghiệp, cũng có đến 23 triệu là loại doanh nghiệp một chủ – không tuyển ai khác (80%).

Doanh nghiệp không tuyển dụng là ai?

Họ là những người tự kinh doanh, tự làm chủ ví dụ như môi giới bất động sản, dạy thêm, bán lẻ, chăm sóc người già… Theo định nghĩa chính thức, họ không có nhân viên được trả lương (như vậy có vợ chồng hay con cái phụ một tay thì vẫn xếp vào loại hình này), tạo doanh thu ít nhất 1.000 đô-la mỗi năm và chịu thuế thu nhập liên bang.

Số lượng thì khổng lồ nhưng tác động lên nền kinh tế thì không đáng kể – toàn bộ 23 triệu doanh nghiệp không tuyển dụng này ở Mỹ chỉ tạo ra 4% tổng doanh thu so với  5,73 triệu doanh nghiệp lại chiếm đến 96% tổng doanh thu.

**

Bây giờ quay trở lại Việt Nam. Nếu lấy số liệu thống kê chính thức thì tỷ lệ doanh nghiệp trên dân số của Việt Nam còn rất thấp. Đầu năm 2012, cả nước có gần 342.000 doanh nghiệp đang tồn tại, so với dân số chừng 88,7 triệu người. Như vậy cần đến 260 người dân thì Việt Nam mới có 1 doanh nghiệp – một tỷ lệ rất thấp so với 12 dân ở Anh hay 11 dân ở Mỹ.

Thế nhưng khái niệm doanh nghiệp ở Việt Nam không bao gồm những “doanh nghiệp không tuyển dụng” như ở Mỹ hay ở Anh – họ được xếp vào diện hộ kinh doanh cá thể. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê thì năm 2012, bên cạnh 342.000 doanh nghiệp như đã nói ở trên thì còn có 4,63 triệu hộ kinh doanh cá thể. Cộng hai loại hình này lại, chúng ta có chừng 5 triệu “doanh nghiệp” (hiểu theo nghĩa dùng ở Mỹ hay ở Anh).

Ngay lập tức tỷ lệ số doanh nghiệp trên dân số tăng vọt – chỉ cần 17,7 người dân là đã có 1 “doanh nghiệp” rồi.

Tính chi li hơn nữa thì khái niệm “hộ kinh doanh cá thể” cũng chưa bao quát những người tự kinh doanh, tự làm chủ một hoạt động kinh tế nào đó mà ở nước khác có thể xếp vào loại hình “doanh nghiệp không tuyển dụng”. Đó có thể là những người thầy đã về hưu giờ đi dạy thêm, những người giúp việc nhà, nghệ sĩ tự do… Cộng hết vào, kể cả các hoạt động kinh tế trong khu vực phi chính thức thì tỷ lệ doanh nghiệp trên dân số ở nước ta cũng không khác gì lắm với các nước, nếu không muốn nói là sôi động hơn.

Như vậy chuyện tăng số lượng doanh nghiệp lên trong những năm tới là chuyện hoàn toàn có thể làm được về mặt cơ học chỉ bằng cách đổi tên cho các hộ kinh doanh cá thể chuyển lên thành doanh nghiệp tư nhân chẳng hạn. Vấn đề là có nên thúc đẩy việc tăng số lượng bằng cách đó không bởi nó sẽ kéo theo những hệ lụy vừa có mặt tích cực vừa có mặt hạn chế. Trong đó cái lớn nhất là chi phí sẽ là gánh nặng làm cho việc chuyển đổi mang tính bất lợi cho nhiều hộ kinh doanh cá thể.

[ad_2]

— Đăng bởi HH —