Khai giảng, khai học và khai minh

[ad_1]

Khai giảng, khai học và khai minh

Nguyễn An Sa

Một buổi lễ khai giảng. Ảnh: tinhhoa.net

(TBKTSG Online) – Hôm nay 5-9, cả nước chính thức khai giảng. Trong sân trường nơi thành phố, chốn thôn quê, tiếng trống khai giảng lại vang lên cùng những lời chúc tốt lành cho một niên học mới.

Đi trong không khí chộn rộn đó, lòng trí mỗi người lại được trở về những tháng năm tuổi thơ của cuộc đời mình. Là những buổi sáng mùa thu tựu trường tươi đẹp như áng văn của Thanh Tịnh, là niềm vui cặp mới, áo mới, bạn mới, thầy mới. Có khi, với những người có tuổi thơ khó khăn, khai giảng đi cùng với những nỗi lo mới trong ánh mắt, khuôn mặt của cha mẹ còn đọng mãi trong tâm trí…

Khai giảng là vậy. Đó không chỉ là một từ để chỉ sự kiện khởi đầu năm học một cách lý tính khô khan mà hàm chứa cả một hình dung về không gian, thời gian, gắn liền với biết bao ký ức học hành trong đời mỗi người.

“Khai giảng” nghĩa là mở đầu cho việc giảng dạy nhưng do thói quen sử dụng, lâu dần, nó chỉ hoạt động khởi đầu năm học mới. Xét về tư duy dùng từ, “khai giảng” hướng đến hoạt động giảng dạy, trọng tâm đặt ở nghề thầy, nghề giáo. Có thể xuất phát từ tư duy truyền thống, coi giáo viên là trung tâm trong hoạt động giảng dạy; nên rất dễ dàng bỏ qua vai trò người học. 

Thực ra, đó là một lối tư duy cũ kỹ. Hoạt động dạy và học ngày nay đang xoay trọng tâm từ giáo viên (người dạy) sang học sinh (người học) để thúc đẩy sự chủ động và sáng tạo nơi người học.

Đến đây, có thể thấy rằng, ý nghĩa năm học mới cần phải thực sự bắt đầu từ cả hai phía: (thầy) “khai giảng” và (trò) “khai học”.

Nhưng dường như việc đặt trung tâm hoạt động giảng dạy ở nghề giáo (trong cách dùng từ “khai giảng”), là cũng có ý. Có lẽ là một sự nhấn mạnh tầm quan trọng của nghề dạy học trong xã hội. Quan trọng ở đây, xét theo nghĩa sản phẩm lao động mà nghề này tạo ra là nguồn nhân lực quyết định sự phát triển xã hội và một ở chiều kích ngược lại, đó là nhắc nhở tinh thần tôn sư, chế độ chăm sóc mà xã hội dành cho nghề thầy.

Lấy cách diễn giải đó mà đặt trong bối cảnh hiện nay, khi những lùm xùm về dạy thêm, học thêm còn chưa giải quyết xong, khi nguồn nhân lực sư phạm đào tạo ra vừa thừa về số lượng, thiếu về chất lượng không đáp ứng được nhu cầu phát triển, sự thách thức của nghề giáo trước tình trạng đạo đức xã hội suy thoái, nghề dạy học ở những vùng nghèo còn quá kham khổ… thì “khai giảng” là một từ thức tỉnh không chỉ trách nhiệm người dạy học với xã hội mà còn là trách nhiệm xã hội, gia đình trong việc cộng tác, chia sẻ với người dạy nói riêng, nhà trường nói chung.

Nhưng, như đã phân tích, hai từ “khai giảng” cũng làm cho chúng ta dễ quên đặt trọng tâm vào phía “khai học”, tức, người học. Và như thế, rất dễ dàng bỏ qua những thách thức và trách nhiệm từ phía người học hôm nay. Đó là áp lực kinh tế của phụ huynh trước mùa khai giảng, là sức nặng của nội dung chương trình học, thành tích và rất nhiều điều vô bổ đè nặng lên học sinh, đó là phương pháp giáo dục cũ kỹ và những thay đổi, thí điểm đang đặt người học vào tình trạng thường trực âu lo đối phó.

“Khai học” – tưng bừng nhưng sao giấu hết được nỗi lo của người dân nghèo ở những vùng ô nhiễm môi trường, sự khó nhọc của những trẻ em vùng sâu vùng xa khó nhọc đi tìm con chữ, những trẻ em đô thị quay cuồng với áp lực cuộc đua trường điểm, lớp chọn,…

Chừng nào những nhà chính sách giáo dục biết đặt trọng tâm vào người học, thấu hiểu những nỗi lo âu đó để chỉnh đốn thì hiệu quả của dạy và học sẽ tốt hơn, đem lại niềm tin tưởng mạnh mẽ hơn và tạo ra những giá trị mới cho phát triển.

Với một nền giáo dục đang tự xem mình là một ngoại lệ của thế giới phát triển, thì nỗi khổ đầu tư cho học hành, thế hệ tương lai hãy còn nặng nề. Tiếng trống trường khai giảng, khai học vang lên, còn nghe bao điều thổn thức từ một khung cảnh giáo dục quá khó khăn trong việc đạt tới những giá trị đích thực của khai minh.

[ad_2]

— Đăng bởi HH —